Đối tượng đến phòng khám sản phụ khoa tư nhân rất đa dạng, bà bầu đi kiểm tra sức khỏe thai nhi, chị em nhiễm bệnh phụ khoa đi khám và cả những người đi "giải quyết" hậu quả của việc "yêu" quá đà hay những người vỡ kế hoạch. Điều đáng nói là tại các phòng khám này sẵn sàng đón nhận và mời chào bệnh nhân cả những bệnh không thuộc giấy phép đăng ký.
Dù chỉ đăng ký khám bệnh, nhưng khi có bệnh nhân đến khám và có nhu cầu nạo phá thai thì một số phòng khám tư nhân nhận luôn. Thai lớn, thai nghi ngờ chửa ngoài tử cung đều được làm ngay tại phòng khám. Trong khi đó đối với những sản phụ có thai nằm ngoài tử cung, thai lớn cần đến bệnh viện để được bác sĩ hội chẩn. Nếu sản phụ làm ở phòng khám tư rất có thể nhiều hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra.
Như trường hợp của chị Hiền, do chưa cưới lại có baby xấu hổ nên khi có thai ở tháng thứ 4 chị quyết định đi "giải quyết". Ngại đến bệnh viện vì chưa chồng mà chửa nên chị quyết định tìm một phòng khám tư nhân để giải quyết hậu quả cho kín đáo. Chị đã tìm đến một phòng khám gần đường La Thành, đến nơi các bác sĩ "phán" rằng thai đã to, muốn phá phải tốn chi phí nhiều hơn.
Chị đã đồng ý với chi phí mà phòng khám này đưa ra và có hỏi "hậu quả để lại có nguy hiểm không?" thì được câu trả lời như đinh đóng cột là" "Cứ yên tâm, dù thai to nhưng ở đây các bác sĩ có tay nghề cao và đã làm cho nhiều người rồi!".
Thôi thì nhắm mắt làm cho xong, ai dè khi về đến nhà chị ra rất nhiều máu, người chị Hiền như tàu lá chuối héo. Lúc đó người nhà đã biết chuyện và vội đưa chị vào viện cấp cứu. Sau khi khám tại viện, các bác sĩ cho biết chị đã bị thủng dạ con do nạo phá thai. Chậm chút nữa thì tính mạng của chị Hiền cũng không giữ được.
Không chỉ nguy cơ từ các ca nạo phá thai, mà ở một số phòng khám tư là nơi truyền nhiễm chéo các căn bệnh nguy hiểm. Một phòng khám sản phụ khoa dù hiện đại đến đâu cũng không thể đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết như ở các bệnh viện lớn.
Tại một số phòng khám lại chạy theo doanh thu nên không quan tâm mấy đến chất lượng phục vụ. Nhiều khi thiếu bác sĩ, bệnh nhân quá tải nên họ làm đại khái cho xong. Dụng cụ y tế chưa kịp khử trùng theo đúng thời gian quy định đã lấy ra để làm cho ca khác. Đây chính là mầm bệnh truyền nhiễm cho các bệnh nhân. Một trong số rất nhiều bệnh nhân mắc phải tình trạng này là chị Mai.
Chị Mai bị viêm phụ khoa nhẹ, nhưng do công việc quá bận không có thời gian đến bệnh viện vào giờ hành chính, chị tranh thủ giờ nghỉ đến một phòng khám tư nhân. Chị Mai cho biết lúc đó rất nhiều bệnh nhân đến khám, cứ người này ra thì người kia vào. Chẳng biết là dụng cụ y tế có kịp được diệt trùng không nữa nhưng cứ liều vào khám cho xong. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm nhẹ và kê đơn thuốc cho chị uống.
Không ngờ đâu từ khi chị đi khám ở cơ sở đó về lại xuất hiện những nốt sùi ra như mào gà và rất ngứa. Lần này chị phải nghỉ làm và đến bệnh viện khám. Theo như thông tin chị cung cấp cho các bác sĩ ở bệnh viện thì các bác sĩ đoán rằng chị bị nhiễm bệnh chéo. Tức là trước khi khám cho chị thì có bệnh nhân bị sùi mào gà, và thiết bị y tế chưa được diệt trùng kĩ đã làm cho chị nên chị bị lây bệnh. Kể từ đó chị Mai không dám "liều" mình nữa.