Nhưng thực tế, việc tăng cường chuyện "ái ân" chưa xảy ra, nhiều quý ông tưởng chết vì ung thư do rượu huyết.
Anh Ngô Văn M. (Hải Phòng) lo lắng đi khắp các bệnh viện vẫn chưa tìm ra bệnh vì tự dưng trên đầu anh có một khối u di chuyển hết ở đầu thì xuống má, chạy lòng vòng rồi xuống cổ...
Khối u ngày càng to và di chuyển ngàng càng nhanh khiến anh suy sụp tưởng sắp chết. May mắn, một chuyên gia ký sinh trùng cho anh làm huyết thanh chẩn đoán phát hiện anh bị nhiễm giun lươn giai đoạn ấu trùng di chuyển.
Rượu huyết pha chế ở các nhà hàng thường không sạch sẽ, quá trình lấy huyết đã khiến máu động vật nhiễm vi khuẩn, nhiễm ấu trùng
Nguyên nhân bệnh là do anh uống rượu huyết rắn nhiễm giun lươn, giun có trong tiết rắn nổi lên trên khi pha rượu, anh uống phải và mắc bệnh.
TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, thực tế chưa có cơ sở khoa học để chứng minh rượu huyết có khả năng tăng cường "sức mạnh" quý ông, nhất là khi số lượng huyết được pha vào rượu không nhiều nên không có tác dụng.
Ngược lại, rượu huyết pha chế ở các nhà hàng thường không sạch sẽ, quá trình lấy huyết đã khiến máu động vật nhiễm vi khuẩn, nhiễm ấu trùng.
Ấu trùng sán thường di chuyển qua đường máu. Máu thỏ, dê chứa rất nhiều ký sinh trùng sán, máu khỉ có thể có HIV, máu rùa sống dưới bùn nên có thể có vi khuẩn than, máu một số loài cá có sán ấu trùng... nên khi uống sống, trực tiếp chắc chắn cơ thể sẽ nhiễm bệnh.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Đông y,BV T.Ư Quân đội 108 cảnh báo, tuy cổ nhân Đông y có dùng một số loại rượu huyết để trị bệnh như tiết ba ba dùng giải độc, rượu tiết dê đực điều trị sinh lý đàn ông, rượu tiết rắn trừ phong thấp... nhưng không dùng chim, thỏ, ngựa, dơi, ngao... để uống rượu.
Thật là sai lầm khi mọi người cho rằng các con vật càng độc thì càng mạnh. Đối với các loài có nọc độc như rắn, khi săn mối chúng thường sử dụng nọc độc của mình và khi tiêu hoá thức ăn, chúng cũng tiêu hoá luôn nọc độc và độc tố được hấp thu trở lại vào máu.
GS.TS Dương Trọng Hiếu, Viện Y học cổ truyền nhấn mạnh, cái gì bổ thì cũng độc nếu dùng không đúng cách.
Máu là một thành phần rất dễ bị nhiễm trùng và có rất nhiều loại vi trùng có thể ký sinh ở máu. Máu là chất bổ, chứa nhiều loại đạm (chủ yếu là đạm khó tiêu), một số người không thích ứng với loại đạm này nên thường bị dị ứng, nổi mẩn ngứa, phát ban.
Hơn nữa, khi sử dụng loại đạm này với rượu, trong rượu có chất alcon cao sẽ gây đông vón đạm. Trong y học cổ truyền người ta không dùng huyết sống để trị bệnh. Uống rượu huyết rất dễ dẫn đến các trường hợp bị dị ứng, lâu ngày tế bào gan bị phá huỷ, gây xơ gan, trụy tim mạch...
Trong khi lấy máu phải lấy qua da, mà ở đó có vô vàn các ký sinh trùng tụ cầu, liên cầu, cúm H5N1 ở gà, chim... nên người uống nó chắc chắn sẽ nhiễm bệnh.
Theo Thúy Nga
Khoa học & Đời sống