Phình động mạch chủ ở bụng là nguyên nhân gây tử vong của khoảng 12.000 người một năm ở Anh.
Các nhà khoa học tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển đưa ra kết luận trên sau khi khảo sát 63.000 người, tuổi từ 46-84. Họ từng tham gia 2 nghiên cứu dài hạn về sức khỏe, các đối tượng tham gia được đo chỉ số vòng eo nhiều lần trong vòng 10 năm.
Kết quả cho thấy gần 600 người mắc bệnh phình động mạch chủ ở bụng, trong đó hơn 80% là đàn ông. Tính trung bình, vòng eo cứ tăng 5cm thì nguy cơ phát triển bệnh phình động mạch chủ ở bụng tăng thêm 15%.
Ảnh minh họa
Mức độ nguy hiểm đạt mức cao nhất khi người đàn ông có số đo vòng eo lên tới 99cm và ở phụ nữ là 86cm.
Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu, chỉ số khối cơ thể (BMI) không ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh này.
Theo nhóm nghiên cứu, loại mỡ tập trung ở bụng có thể chứa những hợp chất có hại, gây tổn thương tới thành động mạch chủ bằng cách kích thích đáp ứng viêm.
Bệnh có thể phát triển trong nhiều năm mà người bệnh không nhận ra trước khi bất ngờ vỡ ra và gây chảy máu trong nghiêm trọng.
Một vài người phát triển bệnh đau lưng khi các điểm phình tạo áp lực lên cột sống. Tuy nhiên, rất nhiều người không hề xuất hiện triệu chứng nào.
Một số nghiên cứu cho thấy động mạch không khỏe mạnh hoặc huyết áp cao đều góp phần phát triển bệnh phình động mạch chủ.
Đường kính bình thường của động mạch chủ là 20mm. Bệnh phình động mạch chủ được chẩn đoán thông qua phương pháp siêu âm, khi đường kính động mạch chủ lên tới 30mm.
Nếu độ phình tương đối nhỏ, bệnh nhân thường không phải phẫu thuật do nguy cơ tử vong trong phẫu thuật còn cao hơn nguy cơ nứt vỡ.
Phần lớn các bệnh viện không tiến hành phẫu thuật cho tới khi đường kính vượt quá 50mm.