Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được chuyển về khoa ngoại tiếp tục điều trị, chuyền dịch. Tình hình sức khỏe chị Hiến cũng dần ổn định, có thể nói chuyện với người nhà bình thường.
Đến khoảng 10 giờ 30 phút ngày 26/10, bác sỹ Hồ Trường Thắng kiểm tra tình hình sức khỏe chị Hiến và thấy vết mổ khô, có ra ít dịch. Bác sỹ tiến hành các biện pháp y lệnh như dung dịch Rmogerlac, glucozo, CTM. Tuy nhiên, sau chưa đầy một tiếng đồng hồ, chị Hiến có biểu hiện sùi bọt mép, không bắt được mạnh, thở ngáp, người hôn mê.
Lập tức, các bác sỹ Khoa ngoại Lê Ngọc Bằng, Lê Anh Tuấn và Hồ Trường Giang đã tiến hành hội chẩn, thảo luận bệnh nhân đột quỵ chưa rõ nguyên nhân. Tiếp sau đó, lãnh đạo trực bệnh viện và toàn bệnh viện cũng đã tiến hành hội chẩn dưới sự tham gia trực tiếp của BS. Tôn Thất Hậu - Phó Giám đốc Bệnh viện. Kết luận, bệnh nhân đột quỵ, xuất huyết màng não, chưa loại trừ sốc phản vệ, phải điều trị theo hướng hồi sức tích cực.
Biên bản hội chẩn toàn viện
Đội ngũ bác sỹ đã tiến hành ép tim, bóp bóng, tiêm Adranalin cho vào chai dịch chuyền. Sau 3 phút bệnh nhân đã tự thở, mạch quang bắt được nhịp, huyết áp lúc này của bệnh nhân là 80-50. Lãnh đạo bệnh viện đã thống nhất chụp cắt lớp vi tính, đồng thời chuyển xuống khoa hồi sức cấp cứu.
Đến 15 giờ 45 phút ngày 26/10, bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực, huyết áp duy trì tốt. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, tình trạng sức khỏe bệnh nhân bắt đầu xấu đi, chân tay lạnh, huyết áp tụt dần, mạch chậm dần và người đổ mồ hôi rồi tử vong.
Người nhà tố bệnh viện tắc trách
Liên quan đến cái chết của chị Mạnh Thị Hiến, chị Lưu Thị Tâm (con gái chị Hiến) tỏ ra bức xúc vì cho rằng cái chết của mẹ mình do đội ngũ y bác sĩ thiếu quan tâm bệnh nhân. Bởi sau khi mổ, sức khỏe của mẹ đã dần hồi phục, trước đây mẹ chị không có bệnh lý về tim hay các bệnh khác.
Cũng theo chị Tâm, sáng 26/10, chị là người trực tiếp có mặt tại bệnh viện chăm sóc mẹ nhưng sau đó bị các bác sỹ yêu cầu ra ngoài. Từ 7 giờ 30 chị đã phải ra ngoài và chỉ trở lại giường bệnh của mẹ lúc 10 giờ 30 phút, lúc này cũng là lúc bệnh viện mở cửa cho người nhà vào chăm và thăm hỏi. Ngoài ra khung thời gian từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 không có người nhà túc trực bên cạnh chị Hiến.
Khi vào đến nơi, thấy bên tay chuyền của mẹ bị phồng to, trong khi đó không có bóng dáng một y bác sỹ nào trong phòng. Hai mẹ con có trò chuyện với nhau mấy câu rồi chị Hiến bất ngờ người tím tái, phèo bọt miếng, chị Tâm sang phòng khoa gọi bác sỹ đến kiểm tra.
Cùng chung ý kiến, anh Mạnh Trọng Dương (em trai chị Hiến) cũng cho rằng bệnh của chị mình không thuộc vào diện “vô phương cứu chữa”, nạn nhân đã được nhập viện và làm các thủ tục cần thiết trước khi mổ lấy sỏi thận. Nếu có dấu hiệu nào về bệnh lý thì lúc kiểm tra, xét nghiệm bệnh viện phải biết trước để phòng tránh.
Chính vì những ý kiến trên, lúc chị Hiến tử vong, hàng chục người nhà bệnh nhân đã tập trung để bày tỏ sự bức xúc. Yêu cầu phía bệnh viện phải có câu trả lời và có trách nhiệm đối với cái chết của chị Hiến. Trước tình hình trên, lực lượng Công an Nghệ An phải đến để can thiệp, ổn định tình hình.
Đến 18 giờ cùng ngày, đại diện bệnh viện đã có hơn 1 giờ làm việc với người nhà nạn nhân. Phía nạn nhân vẫn khẳng định nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tử vong khi đang điều trị tại bệnh viện là do bác sỹ tắc trách, thiếu trách nhiệm trong việc cứu chữa.
Cuộc tiếp xúc hơn một giờ giữa đại diện bệnh viện và gia đình nạn nhân
Còn ý kiến đại diện bệnh viện được bác sỹ Trịnh Xuân Nam - Phó trưởng phòng Tổ chức đưa ra, việc bệnh nhân Hiến tử vong sau khi phẫu thuật là sự bất ngờ đối với tập thể lãnh đạo bệnh viện cũng như đội ngũ bác sỹ vì diễn biến bệnh quá nhanh, không kịp trở tay, bởi vì sau khi chuyển từ khoa Ngoại về Khoa hồi sức cấp cứu bệnh nhân đã chuyển biến tích cực được từ 30-35% chức năng sống.
Cuối cùng hai bên tạm thống nhất, trách nhiệm về cái chết của chị Hiến sẽ được xử lý sau khi mai táng cho nạn nhân. Trước mắt bệnh viện hỗ trợ 20 triệu đồng tiền mai táng phí cho nạn nhân.
Trao đổi với phóng viên về sự việc, ông Nguyễn Danh Linh – Giám đốc bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho biết: “Nguyên nhân đang dự tính do hai trường hợp xảy ra, một là chuyền tắc mạch phổi; hai là bị sốc.
Trường hợp chuyền tắc mạch phổi, khi đã mổ vào tiểu cung có khoảng 20% những biến chứng sau đó tự động nó đến. Bệnh nhân đang ngồi bình thường, đang nói, cũng giống như nhiều người đang đứng phát biểu thì gục ngã chết. Việc này đang còn tìm nguyên nhân vì đây là một cái rủi, không phải là do kỹ thuật.
Khi đã mổ xẻ vào trong người thì cái rủi ro chắc chắn sẽ có. Nhiều khi đi giữa đường đang gặp rủi ro huống gì vào phòng mổ. Muốn tìm hiểu nguyên nhân cần phải giở hồ sơ ra để xem, chính điều này chúng tôi cũng đang rất bí".
Giám đốc Linh cũng loại trừ khả năng bệnh nhân bị xuất huyết não, cũng không nghĩ đến sốc thuốc phản vệ vì thuốc được tiêm từ 9 giờ sáng, khi rút mũi kim ra phải xảy ra hiện tượng sốc phản vệ ngay. Còn để nói bằng chứng cho rõ ràng thì ngoài sự kiểm soát.