Lý giải nguyên nhân trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin

havan |

Theo GS-TS Nguyễn Thu Vân, sau tiêm, trẻ có thể tử vong vì vắc xin làm bộc lộ những bệnh bé đã mắc.

Gần đây, thông tin các trường hợp sau khi tiêm xong vắc xin tổng hợp 5 trong 1, vài cháu đã tử vong khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Tại tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng đầu năm có tới 83 trẻ phản ứng với vắc xin này. Trong tháng 11 cũng có một trẻ 2 tháng tuổi tử vong sau tiêm vắc xin.

Trao đổi với phóng viên, GS-TS Nguyễn Thu Vân – Giám đốc Côngty vắc xin và sinh phẩm số 1 cho biết: Vắc xin cơ bản là an toàn.

Tuy nhiên, trong quá trình tiêm mỗi cơ thể phản ứng với vắc xin khác nhau nên có trẻ sau tiêm bị sốt nhẹ, sốt cao, có trẻ bị sốc phản vệ.

Hiện tượng này xảy ra do kháng nguyên trong vắc xin khi vào cơ thể gây phản ứng. Nếu cơ thể phản ứng mạnh để bảo vệ thì sẽ gây sốt cao. Thậm chí có thể bị sốc.

Tuy nhiên, dù có sốc với loại vắc xin đó thì các bác sĩ, y tá tại chỗ tiêm sẽ biết cách giải quyết. Họ sẽ tiêm cho trẻ thuốc chống phản vệ. Đây là lý do tại sao sau khi tiêm, các bậc phụ huynh nên để trẻ nán lại thêm 30 phút để phòng trường hợp bị sốc.

Nhưng thực tế nhiều bà mẹ sau khi tiêm vì sốt ruột nên đưa con về ngay, và sau đó, trẻ bị sốc phản vệ đã không có thuốc tiêm kịp thời. Vì vậy, có những kết quả không mong muốn.

Lý giải nguyên nhân trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin 1

Tiêm phòng là cần thiết, nếu trẻ bị sốc, các bác sĩ đã có thuốc tiêm chống sốc.

Thực tế, có trường hợp cùng một lô thuốc, thậm chí cùng tiêm 1 lọ thuốc nhưng có trẻ tử vong, có trẻ bình thường. GS Vân giải thích, đó là do cơ địa mỗi trẻ khác nhau, có phản ứng với vắc xin khác nhau.

Có những trẻ có cơ địa quá nhạy cảm, hoặc bản thân khi tiêm đã bị nhiễm trùng mà cha mẹ không biết. Khi đó, cơ thể đang mệt mỏi, lại phải tiêm thêm kháng nguyên khác. Như vậy, cơ thể đã ốm lại chống chọi với kháng nguyên từ vắc xin nên có trường hợp tử vong.

Khi được hỏi, có những trẻ như cháu Ph. ở Đà Lạt, không bị sốc ngay với vắc xin mà đến tối mới tím tái, nhịp tâm đập nhanh và tử vong. GS Thu Vân khẳng định không phải do sốc do vắc xin mà có thể vắc xin được tiêm vào cơ thể làm bộ lộ bệnh vốn có của trẻ.

Thông thường, trẻ bị sốt khiến nhịp tim đập nhanh, khi đó, nếu trẻ tiềm tàng bệnh tim bẩm sinh sẽ dễ bị tử vong sau tiêm.

Khi phóng viên thắc mắc, liệu tiêm vắc xin 5 trong 1 trẻ dễ bị sốt, bị ảnh hưởng hơn so với việc tiêm từng loại vắc xin hay không, GS – TS Thu Vân khẳng định: Vắc xin 5 trong 1 Hip phòng 5 loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2010.

Đây là loại vắc xin đã được hàng chục nước trên thế giới sử dụng, không có phản ứng nặng, nếu có thường là các phản ứng nhẹ, tại chỗ như sưng, nóng, đau chỗ tiêm, sốt trên 38 độ và các triệu chứng sẽ biến mất sau 1-2 ngày.

Các bà mẹ nên hiểu đây là một tiến bộ khoa học trong tiêm chủng, chỉ cần 1 mũi đã phòng được 5 bệnh. Đừng hiểu đơn giản để phòng được 5 bệnh trên, vắc xin Hip được pha trộn đơn thuần mà các kháng nguyên được nghiên cứu để tạo thành phân tử đồng nhất.

Lý giải tại sao mũi Hip thường gây sốt, GS Vân cho biết: Bản thân vắc xin tiêm phòng bệnh ho gà vẫn thường gây sốt. Vì vậy, khi kết hợp các kháng nguyên này trong 1 mũi tiêm có phòng bệnh ho gà thì các cháu bị sốt.Cơ thể phản ứng bằng cách sốt mới tốt.

Về nguyên nhân tử vong của trẻ sau tiêm phòng vắc xin, một chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng trẻ tử vong sau tiêm vắc xin, nhiều khả năng do cơ địa cháu không thích ứng với vắc xin.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, phần lớn các trường hợp không rõ nguyên nhân là do không được mổ tử thi nên thiếu thông tin để kết luận, không tìm được bằng chứng là trẻ chết do yếu tố gì.

Ông Hiển cho rằng, trong số trẻ chết sau tiêm phòng, nhiều trường hợp do lỗi ở phụ huynh như không theo dõi sức khỏe con, bỏ con bị lạnh…

Năm 2007, Việt Nam ghi nhận 29 trường hợp phản ứng nặng và tử vong sau khi sử dụng vắc xin, trong đó 15 ca được khẳng định là trùng hợp ngẫu nhiên (do bệnh khác, không hề liên quan đến tiêm chủng).

Trong số còn lại, 10 ca thuộc diện không rõ nguyên nhân, 1 sốc phản vệ do cơ địa, chỉ có 3 ca do lỗi ở dịch vụ tiêm chủng.

Trong cuộc họp công bố nguyên nhân các ca tai biến sau tiêm chủng, ông Nguyễn Trần Hiển giải thích, trẻ chết sau tiêm chủng ngoài những lý do không phải do vắc xin còn do phản ứng quá mẫn xảy ra chậm sau tiêm, nhiều khả năng do cơ địa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại