Những nguy cơ tiềm ẩn từ các mặt hàng giả, thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới đang rình rập, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn không ngừng tăng cường kiểm tra xử lý đối với các vi phạm trên lĩnh vực này nhưng thực tế, những vụ việc bị xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Vào lúc1h30 ngày 5/9, Công an TP Lạng Sơn đã bắt giữ xe ô tô 29D - 005.35 do Lương Đình Chúc (SN 1974) trú tại Tân Việt, Yên Mỹ - Hưng Yên điều khiển đang trên đường vận chuyển 6 bao nầm, tràng lợn có trọng lượng 550kg về Bắc Giang tiêu thụ.
Đáng chú ý số nội tạng này đang trong giai đoạn phân hủy mạnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc, lái xe đã tháo toàn bộ ghế ngồi cho khách để vận chuyển số nội tạng trên.
Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh kiểm tra mẫu rau, quả nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường đã bắt giữ xe ô tô BKS 20L - 2357 cũng tháo toàn bộ ghế ngồi cho khách để vận chuyển 305 kg nầm lợn nhập lậu từ Trung Quốc. Qua kiểm tra, trên xe ôtô còn có rất nhiều biển số xe giả, đồng thời thay đổi kết cấu xe để chở hàng.
Nếu trót lọt, số nội tạng này sẽ được chuyển về Hà Nội, từ đó trở thành những "đặc sản" có mặt trên bàn nhậu của thực khách. Các xe chở hàng lậu thường thay biển nhiều lần trên đường đi hoặc trà trộn hàng vào xe chở hàng có hóa đơn rõ ràng.
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 57 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, thu giữ trên 12 tấn gia cầm thịt, gần 70 nghìn con gia cầm giống, trên 20 tấn sản phẩm động vật và thủy sản, 5.000kg mỳ chính, 1.680 chai bia và 2.370 chai, hộp thực phẩm các loại do Trung Quốc sản xuất nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ thời hạn sử dụng, không được kiểm tra chất lượng về ATVSTP, không kiểm dịch thú y về con giống.
Đáng chú ý bên cạnh các nầm, lòng, tràng lợn đã phân hủy; gia cầm bệnh; các loại bột hương trái cây để pha nước giải khát, bột làm kem... không qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được trà trộn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụmột cách âm thầm.
Xì dầu, củ cải... nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam bị bắt giữ.
Mới đây, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tạm giữ xe ôtô mang BKS 29C-13189 chở 2.370 chai, hộp thực phẩm các loại như: nước hàng, dầu hào, xì dầu, nước sốt cà chua, tương ớt, cháo ăn liền, khoai tây cắt lát và 3 máy dập nắp chai lọ ký hiệu ETON, tất cả đều nhập lậu, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tình trạng thực phẩm nhập lậu, không qua kiểm dịch của cơ quan chức năng như vậy, còn các loại thực phẩm nhập khẩu theo đường chính ngạch thì sao?
Tại cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày có hàng tấn rau, củ, quả các loại được nhập khẩu vào nước ta. Tại đây 100% các lô hàng đều đượctrạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh lấy mẫu kiểm tra dịch hại, thử test nhanh vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu mẫu có nghi ngờ vượt quá ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép đều được gửi về Chi cục để kiểm tra chuyên sâu để ngăn chặn kịp thời; đồng thời gửi thông báo đến Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm Bằng Tường - Trung Quốc để ngăn chặn xử lý ở đầu vào bên kia biên giới.
Bà Nguyễn Thị Hà - Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơncho biết:Từ đầu năm đến nay qua kiểm traChi cục bảo vệ thực vật vùng 7 Lạng Sơn đã phát hiện 2 lô hàng là lê và cam với số lượng có dư lượng bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép(gấp 1,5 lần).
Hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc luôn là mối lo ngại của người tiêu dùng.
Thực tế hiện nay, chế tài xử lý các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, thực phẩm lậu vẫn chưa đủ mạnh, chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính nên có đối tượng sau khi bị xử lý vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo quy luật, trong những tháng cuối năm thường gia tăng các hoạt động buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm nhập lậu. Vì vậy bên cạnh công tác tăng cường đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng, mỗi người tiêu dùng nên tự ý thức, nâng cao cảnh giác khi mua và sử dụng thực phẩm.