Thông tin về trường hợp 2 bệnh nhân tại TP. Hồ Chí Minh bị suy thận do chuột cắn phải nhập viện điều trị, 3 trường hợp bệnh nhân tại Hà Nội đang phải nằm điều trị bệnh Sodoku do bị chuột cắn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang là tâm điểm khiến dư luận hoang mang, lo lắng.
Việc liên tục có bệnh nhân nhập viện điều trị do bị chuột cắn càng khiến sinh viên tại các khu KTX – những nơi vốn được biết đến như “thiên đường” của chuột thêm lo lắng và hoang mang.
Sinh viên nội trú tại KTX Mễ Trì - ĐHQGHN đang sốt sình sịch nỗi lo mang mầm bệnh từ chuột (Ảnh Thu Lê)
Là một trong những KTX đẹp và tiện nghi nhất nhì Hà Nội, nhưng sinh viên nội trú ở đây luôn phải sống trong tâm trạng bất an, lo lắng vì chuột, gián hoành hành.
Thời gian gần đây sinh viên nội trú ở KTX Mễ Trì – ĐHQGHN lại được phen sốt lên sình sịch với nỗi lo chuột cắn gây suy thận, mắc bệnh Sodoku phải nhập viện điều trị.
Có mặt tại phòng 106 nhà C1 đúng lúc các thành viên trong phòng đang hì hụi thu dọn chiến tích sau một đêm “tác quái” của lũ chuột, dọn vệ sinh chung để đuổi muỗi và gián.
Rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây nhiễm từ chuột sang người khi bị cắn
Một sinh viên K55 Ngữ văn CLC- ĐH KHXH &NV, thành viên của phòng 106 cho biết: “Không riêng gì phòng mình mà hầu hết các phòng trong khu KTX Mễ Trì này đều có rất nhiều chuột… lại toàn là chuột to thôi”.
Vừa nói sinh viên này vừa cho chúng tôi xem những đoạn dây điện bị cắn đứt rời thành từng mẩu, những chiếc sạc pin bị gặm nham nhở đầy vết răng chuột, những quyển sách bị xé rách, những gói mì tôm không còn ruột…
Hiện tượng chuột xuất hiện nhiều như hiện nay có từ khi ĐHQG cho thi công công trình KTX Mễ Trì mới. Hiện nay, công trình KTX Mễ Trì mới đã đi vào hoạt động nhưng nạn chuột vẫn không hề giảm so với thời điểm đang thi công, thậm chí chuột còn xuất hiện nhiều hơn, bạo dạn hơn trước, chạy qua chạy lại trong phòng như không có người.
Không chỉ lục lọi thức ăn, gặm những đồ dùng bằng nhựa, lũ chuột còn cắn rách quần áo, chăn màn, chiếu… và lạ lùng hơn chúng còn giám “gặm” cả tay chân người.
Rất nhiều sinh viên nội trú của KTX Mễ Trì đã bị chuột “hỏi thăm” khi đang ngủ. Chia sẻ với chúng tôi, một sinh viên phòng 208 nhà C1 cho biết: “Hôm trước đang nằm ngủ mình thấy đau khủng khiếp ở tay, tỉnh dậy thấy máu chảy toe toét… Vội vàng bật dậy rửa vết thương bằng nước và băng bó cầm máu. Trước đây mình không tin là chuột dám cắn người nhưng nay thì…”
Trong giờ ngủ trưa hay vào ban đêm, ở khu KTX Mễ Trì thường xuất hiện những tiếng hét hoảng loạn của sinh viên vì bị chuột cắn. Theo các sinh viên, mùa hè dù trời rất nóng nhưng các bạn vẫn phải “buông màn kín mít” để tự bảo vệ mình khỏi bị chuột hỏi thăm trong khi ngủ.
Những phòng chuột vào nhiều như: 106 C1, 107C1, 108 C1, 308 C2… sinh viên luôn ở trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi và bất an, không chỉ bởi những phiền phức trong cuộc sống mà còn là nỗi lo mang những mầm bệnh từ chuột đặc biệt là khi chuột ngang nhiên dám cắn cả người.
“Ăn ở cùng chuột thế này sợ lắm! Thấy báo chí liên tục đưa tin về các trường hợp bệnh nhân suy thận, sốt cao, bệnh Sodoku do chuột cắn phải nhập viện điều trị. Do đó, bọn em đứa nào cũng nơm nớp lo sợ! Đêm nào nằm ngủ cũng phải đóng hết của chính, cửa sổ, buông màn kín như bưng dù không có muỗi…”, Hiếu – K55 Toán, ĐH KHTN tâm sự.
Những căn bệnh nguy hiểm từ chuột đang khiến sinh viên nội trú tại những khu nhiều chuột vô cùng hoang mang, lo lắng
Tình ( K54 Hoá, ĐH KHTN) cho biết: “Những đợt nghỉ dài về quê chẳng may quên không cất chăn màn vào tủ lúc lên sẽ không có cái để dùng tiếp, nền nhà thì đầy phân chuột bốc mùi hôi rất khó chịu…”
Để hạn chế chuột vào phòng, sinh viên đã sủ dụng keo dính chuột, các loại bẫy nhưng đều không hiệu quả.
“Chủ yếu là loại chuột cống rất to, khôn nên keo dính khó mà dính được, dùng bẫy thì chỉ bắt được 1-2 con, thuốc diệt chuột thì không dám dùng vì rất nguy hiểm… Do đó, chuột vào phòng không hề giảm”, bạn Tình lí giải.
Phản ánh lên ban QL KTX về nạn chuột đang hoành hành hiện nay, các bạn sinh viên cũng chỉ nhận được câu trả lời là phải thường xuyên dọn vệ sinh, chú ý không để thức ăn trong phòng… mà không có giải pháp nào hữu hiệu hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi KTX Mễ Trì có nhiều đường cống rộng, nhiều nắp cống bị mất nên chuột từ các cống leo lên rất nhiều. Không những thế bãi rác của khu KTX lại nằm rất gần với 3 dãy nhà sinh viên ở. Hiện tượng sinh viên nấu ăn trộm trong phòng, mua cơm về phòng ăn… để lại thức ăn thừa trong thùng rác cũng là nguyên nhân khiến chuột vào phòng nhiều như hiện nay.