Khốn khổ “dính” dịch tiêu chảy ngày giá rét

Theo Dân Trí |

Trời rét căm căm, vậy mà trẻ bị nôn, đi ngoài không dưới 20 lần/ngày, tức là mẹ bé phải liên tục phải lau rửa.

Cả nhà truyền nước vì “miệng nôn trôn tháo”

Chăm con gái 13 tháng tuổi hai ngày tại khoa Nhi (BV Quân đội 108), được truyền 3 chai nước thấy con đỡ hơn, chị Diệu Linh quyết định đưa con về nhà, khỏi cảnh chen chúc. “Về nhà, bé vẫn đi ngoài, dù giảm hơn nhưng vẫn quấy khóc mẹ vì đít hăm đỏ vì đi ngoài quá nhiều, mỗi lần bé “xoẹt”, lột quần bé ra rửa con đều khóc thét vì sợ”, chị Linh kể.

Bệnh nhi tiêu chảy do rota vi rút đang điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải

Bệnh nhi tiêu chảy do rota vi rút đang điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải

Về nhà được một hôm, chị cũng thấy bụng mình trướng phình lên, đầy hơi, rồi nôn liên tục. Giống hệt biểu hiện của cô con gái, sau 6 tiếng bị nôn liên tục, chị Linh cũng bị đi ngoài ra toàn nước, không dưới 20 lần ngày. Chồng chị vội vàng nhờ bà nội ra chăm con đưa vợ đi viện truyền nước. Vợ bị được một ngày thì anh Phong, chồng chị Linh cũng có dấu hiệu tương tự chị nhưng lại bị nặng nề nhất. Sức vóc trai trẻ cũng bị đổ vật bởi tình trạng tiêu chảy, anh phải nằm bẹp ở nhà 5 ngày trời và truyền đến 8 chai nước mới lại người.

“Kết quả xét nghiệm của cả bố mẹ và con đều dương tính với Rota vi rút. Giật mình, cứ ngỡ bệnh của trẻ con, không ngờ người lớn cũng bị mà mình là đàn ông lại bị trầm trọng nhất nhà. Nhưng khổ nhất là con trẻ, chưa biết nói, đang nằm cũng nôn ục ra, ướt hết cả người, quần áo, suốt ngày phải lau rửa, chỉ sợ con lại thêm cảm lạnh”, anh Phong chia sẻ.

Điều vợ chồng anh Phong, chị Linh đau khổ nhất, đó là thời con nhỏ, đang ở quê nên ngại đưa con ra Hà Nội uống vắc xin ngừa tiêu chảy. “Lúc đó mình cũng không nghĩ tiêu chảy vi rút lại khủng khiếp vậy, chỉ nghĩ trẻ con đứa nào chẳng trải qua giai đoạn xì xà xì xoẹt. Sợ đến già, nhất định sinh đứa sau sẽ cho con đi uống vắc xin ngừa bệnh”, anh Phong nói.

Cùng phòng bệnh con mình hôm đó, cũng có hai bé trai sinh đôi 16 tháng tuổi, bị đi ngoài nhiều đến mức mặt ngệt ra nhưng hai bé rất ý thức, mỗi lần buồn nôn là kêu “chậu chậu”, “bô bô”. Nghe tiếng trẻ bi bô gọi chậu, gọi bô vừa yêu lại vừa thương các bé.

Bệnh nhi tiêu chảy do rota vi rút đang điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải

Trời rét, mưa, lạnh là nỗi khốn khổ của các bé khi quần áo khô không kịp với tốc độ nôn, đi ngoài của trẻ. Ảnh: T.A

Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), số trẻ nhập viện điều trị vì tiêu chảy cũng tăng lên. Bình thường với tiêu chảy Rota vi rút, bác sĩ đều hướng dẫn cha mẹ cách bù dịch cho con tại nhà, không phải nhập viện. Nhưng thời điểm này, số trẻ bị mất nước tăng lên, mỗi ngày có tới 8-10 trẻ phải nhập viện vì tiêu chảy. “Trẻ nhập viện chủ yếu là mất nước do trẻ nôn nhiều, cha mẹ không biết cách nên không thể bù nước cho trẻ, trong đó có những ca mất nước rất nặng.

Như trường hợp của bệnh nhi Bùi Đức Triệu Long (11 tháng tuổi ở Hà Nam). Dù được gia đình đưa vào viện trong ngày, sau khoảng 10 tiếng nôn, đi ngoài liên tục, nhưng bé bị mất nước rất nặng. Vào viện, tình trạng đi ngoài, nôn của trẻ tiếp tục tăng lên, khoảng 20 lần. “Bệnh nhi bị mất nước độ 3, tinh thần kích thích, quấy khóc, mắt trũng, môi khô, khóc không có nước mắt, nếp véo da mất chậm, mạch nhanh. Sau hơn 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi đã đỡ hơn nhưng vẫn đi ngoài phân lỏng 6 lần/ngày và sẽ được xuất viện 1 - 2 ngày tới”, BS Vũ Hữu Thời, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.

“Con bị nôn, đi ngoài, cả nhà vừa lo vừa căng thẳng. Vừa mới lau rửa cho con, mặc đồ ấm thì con lại nôn ộc ra, ướt toàn bộ. Huy động sạch quần áo từ nhà mang vào mà không đủ vì không khô kịp, phải sắm thêm cả đồ mới và vẫn luôn trong tình trạng “cháy” quần áo.

Theo TS Dũng, với thời tiết miền Bắc như hiện nay, dịch tiêu chảy vẫn còn tiếp diễn và kéo dài đến sau Tết Nguyên đán. Vì thế, mọi người cần giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, thường xuyên rửa tay xà phòng cho trẻ, rửa tay trước, sau khi vệ sinh cho trẻ, trước khi chế biến món ăn để phòng nguy cơ nhiễm bệnh.

Không nôn nóng cho trẻ uống oresol liên tiếp

BS Thời cho biết, nhiều bậc phụ huynh có tâm lý sợ con mất nước nên liên tục cho con uống oresol mà không biết, điều đó phản tác dụng, thậm chí còn làm mất nước nặng hơn do bé bị kích thích, nôn liên tục”.

Bởi uống oresol cũng phải đúng cách. Nếu uống quá  nhanh, bị kích thích trẻ nôn ra ngay. Vì thế, với trẻ nôn ít, thì cứ 1 - 2 phút cho uống một ngụm (hoặc dùng thìa nếu trẻ nhỏ). Còn nếu trẻ bị nôn thì phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm (thìa nhỏ).

“Đừng nôn nóng, thấy con đi ngoài cả lưng bô, vội ép con uống cả 50ml, đường ruột bé đang bị vi rút tấn công, gây kích thích, trẻ càng nôn mạnh. Vì thế, uống oresol phải kiến trì, uống chậm hấp thu tốt. Nếu trẻ bị nôn ra ngay sau khi uống, cũng không vội uống lại ngay, bởi trẻ không phải bị nôn ra là nôn sạch mà đã có sự hấp thu vào cơ thể. Sau cơn nôn, để con bình tĩnh lại, lại từ từ, kiên nhẫn từng ngụm oresol.

“Việc bù nước cho trẻ là quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy rota vi rút. Bởi mất nước nhiều có thể đe dọa tính mạng trẻ bởi dễ bị sốc giảm thể tích do mất nước nhiều mà không bù nước được. Vì thế, nếu đã cố gắng bù nước cho con theo hướng dẫn mà không hiệu quả, thấy bé mệt, trẻ khát nước nhiều, đi tiểu ít, ấn vào da vết lõm lâu mất, vật vã, kích thích… hãy nhanh chóng đưa con đến viện để được bù nước bằng truyền dịch”, BS Thời nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại