Sợ đi bơi
Trước thông tin ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam tử vong do một loại ký sinh trùng nguy hiểm là “amip ăn não người”, trong khi loại ký sinh trùng này tồn tại khá nhiều trong nước, nhiều người dân thực sự hoang mang, lo ngại không dám đi bơi, ngại tiếp xúc với nước sống hồ vì lo dịch bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, amip “ăn não” người có tên khoa học là Naegleria fowleri. Đây là là sinh vật đơn bào sống tự do trong nước, ưa thích môi trường nước ấm, thường phổ biến ở trong tự nhiên như nước sông, hồ và suối nước nóng và trong đất. Nó sống được nhờ ăn các vi sinh vật như vi khuẩn trong các lắng cặn ở sông hồ có nước ấm/nóng. Loại ký sinh trùng này không được tìm thấy trong nước biển.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển. Ảnh: H.Hải
Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này là nhảy xuống nước, lặn đầu xuống nước hay các hoạt động có liên quan đến nước có nguy cơ làm nước xộc mạnh vào mũi.
Theo PGS Hiển, cách phòng bệnh chắc chắn nhất là hạn chế hay không có các hoạt động liên quan đến nước ấm/nóng trong tự nhiên như lặn trong nước hay hít nước vào mũi nước không được tiệt trùng đúng cách. Khó có thể loại trừ ký sinh trùng này ra khỏi môi trường nước tự nhiên.
Về mặt lý thuyết, cần tiến hành các biện pháp dự phòng như sau: Bịt mũi hay dùng kẹp mũi khi bơi lội hay lặn xuống nước hay không lặn xuống các suối nước nóng hay sông hồ có nước ấm, hay nhiệt độ nước cao mà chưa được xử lý tiệt trùng đúng cách. Hạn chế đào bới hay khuấy lắng cặn ở các khu vực có nước nóng. Tiệt trùng theo đúng phương pháp nước ở bể bơi là có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng này.
Không lây từ người sang người
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, bệnh viêm não màng não tiên phát do ký sinh trùng Naegleria fowleri là một bệnh của hệ thần kinh trung ương. Đây là một bệnh rất nguy hiểm, hầu hết gây tử vong, 99%. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh này về mặt lâm sàng giống viêm màng não do vi khuẩn, do đó thường bị bỏ qua và được chẩn đoán rất muộn, thậm chí sau khi chết, đặc biệt khi bệnh diễn biến nhanh.
Tuy nhiên một điều rất may mắn là bệnh rất hiếm gặp. Nguy cơ nhiễm là rất thấp. Trong vòng 50 năm từ từ năm 1962 đến 2011 ở Mỹ chỉ báo cáo 123 người mắc bệnh này ở Mỹ.
Một điều may mắn nữa, là bệnh không có khả năng lây từ người sang người, cũng không có khả năng gây thành dịch. Khi uống phải nước bị nhiễm sinh vật đơn bào này cũng không bị mắc bệnh mà chỉ có nguy cơ khi bị sặc nước có chứa sinh vật này lên đường mũi, từ đó theo thần kinh khứu giác lên não và gây viêm não.