Hòa Bình: Nguy kịch vì đắp thuốc chữa gãy xương

havan |

Người bệnh bị gãy xương, được chữa trị bằng phương pháp đắp thuốc của thầy lang gây hậu quả khôn lường.

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nguyên nhân do gãy xương được gia đình đưa đến các thầy lang chữa trị bằng phương pháp đắp thuốc.

Cụ thể là trường hợp em Bùi Văn Tuyển (14 tuổi) trú tại xóm Sáng Trong, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, khi đi chơi đêm bằng xe đạp không may bị ngã xe. Do được người quen giới thiệu nên gia đình đã đưa em đến thầy lang để chữa trị.

Theo như lời kể của bệnh nhân thì khi đến chữa trị tại nhà thầy lang, bệnh nhân được đắp bằng thuốc bột, sau khi được cuốn và nẹp lại, em được cho thuốc về nhà tự thay, hẹn sau 10 ngày quay lại nhà thầy kiểm tra lần nữa.

Tuy nhiên, vết thương ngày càng sưng to, chảy dịch vàng, phần thịt tại vết thương có biểu hiện bị hoại tử, da cẳng chân khuyết hổng lộ xương, có mùi hôi thối… lúc đó em Tuyển mới được gia đình đưa lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau 2 ngày dùng kháng sinh liều cao, các bác sỹ tại Bệnh viện tỉnh đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc và làm sạch tổ chức hoại tử và cố định tạm thời ổ gãy, găm đinh Kitnechr.

hoa-binh-nguy-kich-vi-dap-thuoc-chua-gay-xuong

Bác sỹ Đinh Thế Hải, Phó khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình kiểm tra vết thương cho bệnh nhân Bùi Văn Tuyển.

Bác sỹ Đinh Thế Hải, Phó khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình cho biết: “Trong quá trình mổ cho thấy xương bệnh nhân đã bắt đầu hoại tử do da trên chỗ gãy hoại tử gây nhiễm trùng. Quá trình điều trị cho bệnh nhân rất phức tạp, tốn kém và dài ngày. Nếu để muộn thêm thì nguy cơ tàn phế do cắt cụt chi là rất cao”.

Hiện nay, bệnh nhân đang được các y bác sỹ tại bệnh viện tận tình chăm sóc, khi vết thương ổn định sẽ tiếp tục được phẫu thuật lần hai.

Còn trường hợp của bệnh nhân Bùi Văn Hoàng, ở xã Suối Can, huyện Kim Bôi bị ngã gãy tay. Sau một tháng được thầy lang chữa trị bằng cách đắp lá thuốc lên vùng xương bị gãy, sau đó cho dây thép vào trong (giống như kiểu kết xương bằng thép) và lấy mo cau bọc bên ngoài.

Sau một thời gian chữa trị, bệnh tình không những không thuyên giảm mà ngày càng đau đớn hơn. Người nhà phải đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân đã được khám, chụp Xquang, kết quả cho thấy 2 xương cẳng tay bị can lệch. Do đó, các y bác sỹ tại bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân, đến nay bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bị gãy xương được gia đình chữa trị bằng cách đắp thuốc của thầy lang phải nhập viện điều trị khi vết thương đã trong tình trạng nguy kịch. Có rất nhiều trường hợp bị tàn phế cơ quan vận động, gây ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt cũng như khả năng lao động của bản thân.

Việc kết hợp công tác khám và điều trị bệnh bằng các phương pháp Đông y và Tây y là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sỹ, khi không may bị tai nạn gãy xương, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được các y, bác sỹ điều trị kịp thời, tránh bị tàn phế và những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại