Trồng “rau sạch” nhưng... không dám ăn
Tay đang thoăn thoắt đưa liềm cắt những ngọn rau muống xanh non mơn mởn, bác Nguyễn Thị Thái ở Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi đã có hơn chục năm trồng và thu hái rau muống trên đoạn sông này. Mỗi ngày vài nhà chúng tôi cũng phải hái được trên nghìn mớ rau muống như thế này để đem bán”.
Cùng làm với gia đình bác còn có hơn chục hộ dân khác cũng đang sống chủ yếu bằng nghề thả và hái rau muống trên sông. Phần lớn các hộ dân sống bằng nghề trồng và hái rau muống bè dọc hai bên dòng sông Đáy đoạn qua cầu Mai Lĩnh thuộc hai phường Đồng Mai và Biên Giang chỉ cần bỏ một chút công sức để căng dây, kéo bè làm nơi cho rau muống mọc và hoàn toàn không cần chăm sóc, bón phân mà rau vẫn cứ xanh tốt.
Chỉ bằng mắt và các giác quan thông thường, cũng nhận thấy nước sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng với đủ thứ rác thải sinh hoạt nổi lều phều cùng các cống, rãnh nước thải đen ngòm hai bên triền sông của người dân trực tiếp thải xuống.
Chỉ thoáng nhìn qua cũng dễ dàng nhận thấy nước sông Đáy nhiều khúc màu xanh đen, có váng, cặn lắng và có mùi tanh hôi đủ cho thấy mức độ ô nhiễm trên tầng nước mặt của nhiều đoạn sông mà người dân sử dụng để trồng và tưới lên các bè rau muống thả trên sông lớn đến mức nào.
Độc hại đến mức nào?
Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, hiện nay, trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có các nguồn thải chính gồm 8 khu công nghiệp và cụm công nghiệp (KCN và CCN) với trên 157 dự án và cơ sở đang hoạt động, 266 cơ sở ngoài KCN và CCN, 358 làng nghề và các nguồn nước thải phát sinh từ sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư, du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng; nước thải của các cơ sở y tế; nước thải của các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ; nước thải từ nông nghiệp; nước thải từ các hoạt động giao thông thủy... chưa được thu gom, xử lý.
Rau muống là loại có sinh khối lớn, năng suất cao, hút chất dinh dưỡng rất lớn từ đất và nước. Do vậy, về nguyên lý, nước sông có chất gì thì trong rau trồng trên đoạn sông đó cũng sẽ có chất ấy và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng rau muống trồng trên sông. Nếu rau chỉ bị nhiễm vi sinh thì mức độ ảnh hưởng nhẹ.
Tuy nhiên, nếu nước sông bị ô nhiễm hóa chất và kim loại nặng thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nhiều bởi rau muống trồng trong nước, rễ rau sẽ hút thức ăn từ nước sông đó. Nếu nước tồn dư hóa chất và kim loại nặng thì các chất ô nhiễm này sẽ xâm nhập vào tế bào mô và tồn tại trong đó. Thời gian rau muống trồng trên nước bẩn càng lâu thì mức hấp thụ các chất bẩn, hóa chất độc hại càng lớn.