Bệnh nhân Đinh Phúc Quế, 45 tuổi ở Phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, vẫn chưa hết thất kinh khi nhớ lại cảm giác sốt rét run người, đau buốt đến tận óc và choáng chỉ vì vết chuột cắn. Cách đây 2 tuần, anh và các con đang ngủ thì có con chuột cống chui vào trong màn. Thấy động, anh tỉnh dậy đuổi bắt, con chuột chui vào dưới chăn nhưng anh Quế lại tưởng đã đuổi được nó ra khỏi màn. Vừa nằm ngủ lại, đặt tay lên chăn thấy động, anh với tay chộp, con chuột bất ngờ quay lại cắn sâu vào ngón giữa bàn tay phải. Ngay lập tức anh thấy đau buốt, máu chảy ròng ròng từ vết răngchuột cắnnhư đâm phải mảnh sành hay giẫm phải đinh.
Mặc dù vậy anh Quế cho rằng bị chuột cắn đơn giản nên cũng chỉ đi rửa vết thương bằng nước lạnh để cầm máu và tiếp tục đi ngủ. 3 hôm sau, vết thương chỗ chuột cắn lành nhưng vẫn còn cảm giác đau, ngón tay giữa hơi đỏ và sưng.
Ngón tay anh Quế vẫn sưng to, tấy đỏ sau 5 ngày nhập viện (Ảnh Mai Hương)
Sau đó, anh có cảm giác người sốt, lạnh. Ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc giảm sốt, anh cũng kể mới bị chuột cắn thì được tư vấn uống thêm kháng sinh chống viêm. Tuy nhiên, mới uống được 1 liều thuốc, ngay tối hôm đó, vết thương chỗ ngón tay giữa bị chuột cắn bỗng sưng to, lan ra cả mu bàn tay, gây đau buốt dữ dội. Thậm chí, anh Quế còn bị sốt rét nặng hơn, đau nhức toàn thân, người choáng váng.
Được người nhà đưa đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ, ngay lập tức anh Quế được bác sĩ chỉ định phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân được làm xét nghiệm máu, truyền kháng sinh liều cao liên tục.
Đến hôm nay, anh Quế đã nằm viện điều trị được 5 ngày, người hết sốt nhưng vết thương chỗ chuột cắn vẫn còn sưng và tiếp tục phải điều trị. Anh Quế chia sẻ: “Khu nhà tôi gần chợ Dịch Vọng nên nhiều chuột vô kể. Chưa bao giờ tôi nghĩ phải nằm viện điều trị chỉ vì chuột cắn, giờ thì sợ đến già, không dám bắt chuột nữa”.
Bị chuột cắn khi đặt bẫy
Bệnh nhân Nguyễn Trung Kiên, 34 tuổi ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội lại bịchuột cắntrong lúc đặt bẫy dính chuột. Anh Kiên kể, nhà anh có nhiều chuột nên trước khi ngủ anh thường đặt bẫy chuột ở trên nóc tủ. Cách đây hơn 10 ngày, nửa đêm đang ngủ nghe tiếng chuột chít chít dính bẫy anh dậy để gỡ chuột ra khỏi bẫy. Do tủ cao, anh Kiên phải bắc ghế đứng lên nhưng vừa giơ tay định với chiếc bẫy thì con chuột liền cắn vào ngón tay cái ở bàn tay phải. Vết cắn sâu và chặt đến mức anh Kiên giơ tay lên con chuột vẫn treo lủng lẳng, bám chặt lấy ngón tay, không chịu buông ra.
Sáng hôm sau, anh Kiên ra trạm y tế phòng tiêm phòng vắc xin uốn ván. Tiêm xong anh Kiên hoàn toàn an tâm, không lo nghĩ về vết cắn nữa. Ai ngờ, sau 3 hôm ngón tay cái bị chuột cắn bỗng sưng to gấp đôi lúc bình thường. Anh bắt đầu sốt, cảm giác lạnh, run khắp người. Anh Kiên cũng phải nhập viện điều trị ngay tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Đến nay, sau 3 ngày nhập viện bệnh nhân Kiên vẫn còn hơi sốt, ngón tay bị chuột cắn còn sưng.
Anh Kiên đang điều trị tại BV với ngón tay cái sưng phồng vì chuột cắn (Ảnh Mai Hương)
Bệnh nhân thứ 3 là Dân, 26 tuổi bị chuột cắn trong lúc bắt chuột, mới nhập viện đầu tuần, với vết cắn tại ngón giữa tay phải.
ThS.BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, 3 bệnh nhân đang phải điều trị tại BV vì chuột cắn không phải mắc bệnh suy thận, giống như bệnh nhân ở trong TP.HCM mà là bệnh Sodoku. Chuột mang xoắn khuẩn Spirillum minus khi cắn người sẽ gây bệnh Sodoku.
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh Sodoku thường từ 5 ngày đến 4 tuần. Khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao (390C - 400C), ớn lạnh, sốt thành từng cơn.
Các dấu hiệu ngoài da là các ban sẩn xuất huyết, có xu hướng dính liền với nhau, thường tập trung ở da đầu, mặt và nửa thân trên. Ở chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng phần lớn các trường hợp xuất hiện ban xuất huyết hoại tử tại chỗ và có phản ứng của hạch khu vực. Trong quá trình bị bệnh, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đâu cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp.
Tuy bệnh Sodoku không khiến người bị chuột cắn suy thận nhưng trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu ở hệ thống thần kinh như: đau đầu, ảo giác, mê sảng, hôn mê. Nguy hiểm hơn, người bệnh cũng có nguy cơ bị các biến chứng như viêm nội tâm mạc, viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng. Nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh kéo dài thường từ 1 đến 2 tháng và gây tử vong với tỷ lệ từ 6 đến 10%.
“May mắn là các trường hợp bị chuột cắn phải nhập viện BV Bệnh nhiệt đới TƯ từ trước đến nay thường là các ca nhẹ, chưa ghi nhận ca nặng có biến chứng. Tuy nhiên, để đề phòng bệnh trở nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng, người bị chuột cắn nên đến các BV khám để được tư vấn và điều trị sớm”, ThS Hà nói.