Giun lươn "lộng hành" dưới da thịt như thế nào?

BB |

(Soha.vn) - Các trường hợp nhiễm giun dưới da gần đây là lời cảnh báo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường sống.

Đặc điểm và cơ chế hoạt động của giun lươn

Giun lươn sống ở ruột non nhưng cũng có thể sống ở ngoại cảnh. Miệng giun có 2 môi, vỏ thân có khía ngang, nông. Giun cái trưởng thành có đầu thon dài và đuôi nhọn, kích thước khoảng 2mm x 34mm. Giun đực có kích thước khoảng 0,7mm x 36mm, đuôi hình móc và có 2 gai sinh dục.

Giun lươn có ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là những vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm. Bất cứ nơi nào có giun móc tồn tại thì ở đó có giun lươn.

Thông thường, chúng ta bị nhiễm giun lươn chủ yếu là do tiếp xúc với đất có ấu trùng giun lươn. Ấu trùng sẽ chui qua da theo đường máu đến phổi, đến phế quản, khí quản sau đó lên họng, xuống thực quản và đến ruột non rồi ký sinh ở đó.

Giun lươn có thể đào hang ở vách ruột non để đẻ ra ấu trùng. Từ đó, một số sẽ theo phân phát tán ngoài môi trường chờ cơ hội xâm nhập vào cơ thể người khác, một số xâm nhập qua da quanh hậu môn để mở đầu một chu trình mới trên chính ký chủ cũ.

Bệnh giun lươn được chia thành 2 dạng:

Dạng mãn tính, không biến chứng: gặp ở người bình thường, không suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân hầu như không có triệu chứng. Các biểu hiện có thể gặp gồm:

Ở da: có những đường ngoằn ngoèo (thường là ngang thắt lưng, quanh hậu môn) do ấu trùng di chuyển. Các vết bầm máu (kích thước khoảng 3 - 4cm) rải rác ở các chi, thân mình và nổi mề đay.

Giun lươn.

Đường tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể ho, viêm phổi (Xquang phổi có vùng thâm nhiễm), viêm đa khớp, đau cơ. Có trường hợp tìm thấy ấu trùng giai đoạn 1 trong nước tiểu.

Dạng nặng, có biến chứng: gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. Mức độ bệnh tùy thuộc mật độ nhiễm và cơ quan bị ký sinh, bệnh nhân có kèm nhiễm khuẩn phụ hay không. Ký sinh trùng có thể tàn phá cơ thể, gây tắc ruột, viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Tùy theo vị trí ký sinh của ấu trùng trong cơ thể, bệnh nhân sẽ có những hiểu hiện lâm sàng khác nhau ở những cơ quan tương ứng. Do vậy, việc chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm huyết thanh miễn dịch học.

Suy kiệt khi mắc bệnh

Thời gian vừa qua, dư luận đang hết sức quan tâm đến trường hợp của bệnh nhân Văn Viết Điền (42 tuổi), ở ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), đang sống khỏe mạnh bỗng mắc một căn bệnh làm mặt đen sạm, da toàn thân bị lột như da rắn.

Từ một người cân nặng hơn 70kg nay sụt cân chỉ còn 30kg. Căn bệnh lạ đã biến đổi hoàn toàn người đàn ông khỏe mạnh thành một "dị nhân" có hình thù kì quái.

Căn bệnh tàn phá ghê gớm người đàn ông 40 tuổi vốn khỏe mạnh.

Đến tháng 9/2012, nhận được thông tin về bệnh nhân này, Bộ môn Ký sinh - Vi nấm học tiến hành xét nghiệm bệnh phẩm của anh Điền và phát hiện anh bị nhiễm 4 loại ký sinh trùng, gồm E. Histolytica (Amip), giun đũa Toxocara SP, giun lươn Strongyloides Stercoralis, sán dải heo Cysticercose.

Mới đây nhất, bệnh nhân Lê Lan 41 tuổi (Khương Đình, Hà Nội) cũng bị những con giun lươn bò lổm nhổm dưới da hành hạ.

Giun bò lổm nhổm dưới tay của chị Lan.

Khi tiếp xúc nhiều với đất, hoặc vật nuôi mà không đeo găng tay người bệnh đã bị trứng của những con ấu trùng sống trong đất và động vật chui vào trong da.

Do đi lạc vật chủ nên ấu trùng không có men phân hủy thành mạch máu của người nên chúng không thể xâm nhập vào máu, chu du khắp nơi trong cơ thể như các loại ấu trùng giun khác ký sinh ở người; vì vậy nó chỉ di chuyển ở mô dưới da gây ra các triệu chứng mẩn đỏ dưới da ở tay, chân.

Biện pháp phòng bệnh

Tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi. Xây dựng hố xí hợp vệ sinh. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch...

Ngoài ra cần tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng. Sử dụng bảo hộ lao động trong lao động sản xuất khi tiếp xúc với đất, động vật và những khu vực ô nhiễm.

(Tổng hợp theo VTC, Dịch tễ TW)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại