Giám đốc viện Lao nói gì về “cái chết bất ngờ” của bệnh nhân?

Giám đốc Bệnh viện Lao Trung ương Đinh Ngọc Sỹ thừa nhận đội ngũ y bác sĩ kíp trực đó còn non kinh nghiệm, bệnh viện lại…thiếu bình ô xy di động.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 2/4 rất đông người vẫn tụ tập trong sân Bệnh viện Lao Trung ương nghe ngóng tình hình. Người nhà bệnh nhân treo băng rôn, khóc than thảm thiết trước cái chết của nạn nhân. Bệnh viện đã phải huy động một lượng rất lớn lực lượng bảo vệ, công an kiểm soát nghiêm ngặt.

Có những thông tin hoàn toàn mâu thuẫn, trái chiều nhau được đưa ra từ người nhà bệnh nhân và ban lãnh đạo bệnh viện. Trong khi người nhà bảo các “y bác sĩ yêu cầu” phải mang bệnh nhân đi làm thủ tục mới được cấp cứu, thì lãnh đạo bệnh viện lại bảo “người nhà yêu cầu” đưa bệnh nhân đi làm thủ tục.

Giám đốc viện Lao nói gì về “cái chết bất ngờ” của bệnh nhân?
Rất đông người tụ tập trước sân bệnh viện sau cái chết bất ngờ của bệnh nhân. Ảnh LD

Như đã đưa tin trước đó, sau khi chuyển từ Bệnh viện Việt Đức sang Bệnh viện Lao Trung ương được khoảng 3 giờ, bệnh nhân Vũ Thanh Bình đã bất ngờ tử vong vào chiều 1/4. Đến sáng 2/4, xác bệnh nhân Bình mới được chuyển ra khỏi bệnh viện.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Phương Nhật, em họ nạn nhân cho biết, khi xe cấp cứu chuyển anh đến Bệnh viện Lao Trung ương, các y bác sĩ đã “yêu cầu bệnh nhân và người nhà phải đi gặp chị Thanh làm thủ tục mới được nhập viện”. Cũng theo chị Nhật, khi lên phòng thường trực gặp chị Thanh có gặp 4 – 5 bác sĩ, lúc đó bệnh nhân Bình có biểu hiện khó thở, nhưng các bác sĩ không hề giúp gì, và bảo “chúng tôi không có chức năng cho bệnh nhân phải thở ô xy”.

Sau khi được “yêu cầu” khẩn trương làm thủ tục, khi chuyển lên phòng cấp cứu thì anh tôi đã tím tái mặt mày, mồm sùi bọt mép, co giật hết lên. Thấy vậy y bác sĩ mới hoảng loạn, đưa vào phòng cấp cứu. Đến khoảng 3 giờ chiều bác sĩ ra bảo người nhà đã chết và không biết chết lúc nào” – chị Nhật nói.

Giám đốc viện Lao nói gì về “cái chết bất ngờ” của bệnh nhân?
Chị Nhật - người nhà bệnh nhân trao đổi với phóng viên. Ảnh LD

Sáng 2/4, Giám đốc Bệnh viện Lao Trung ương Đinh Ngọc Sỹ cho biết, theo quy định trong các trường hợp cấp cứu thì bệnh nhân phải được cấp cứu trước tiên, còn thủ tục nhập viện sẽ làm sau.

Lúc 1 giờ chiều ngày 1/4 tôi đã trực tiếp xuống chỉ đạo kíp trực để cứu chữa cho bệnh nhân Bình. Dù đã sử dụng hết các công nghệ hiện có của bệnh viện để hỗ trợ nhưng bệnh nhân không qua khỏi, và tử vong lúc 15h chiều cùng ngày”.

Ông Sỹ giải thích và cho biết, khi xảy ra tử vong bệnh viện đã “triệu tập” người nhà, cùng với thanh tra Bộ Y tế và tất cả kíp trực có liên quan để cùng thảo luận. Tại buổi làm việc gia đình không đồng ý làm khám nghiệm tử thi. Chúng tôi cũng kết luận sẽ làm rõ nguyên nhân của kíp trực. Bệnh viện sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để người nhà chuyển nạn nhân đến nhà xác, hoặc đến Phùng Hưng bất cứ lúc nào.

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến cái chết, giám đốc bệnh viện khẳng định “chưa thể trả lời được”. Theo ông Sỹ muốn biết nguyên nhân cái chết cần có hội đồng chuyên môn của bệnh viện hoặc Bộ Y tế, hoặc phải có kết luận pháp y.

Riêng về pháp y thì gia đình không đồng ý làm khám nghiệm tử thi. Nếu gia đình tiếp tục yêu cầu, chúng tôi sẽ làm theo từng cấp để đưa ra nguyên nhân”.

Giám đốc viện Lao nói gì về “cái chết bất ngờ” của bệnh nhân?
Giám đốc Bệnh Viện Lao Trung ương Đinh Ngọc Sỹ trao đổi với báo chí ngày 2/4. Ảnh LD

Về trách nhiệm của kíp trực, giám đốc Sỹ cho hay, trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến tử vong phía bệnh viện đều phải làm rõ trách nhiệm từng người, từng kíp trực. “Nếu có hành động vi phạm pháp luật sẽ phải xử lý”.

Về quy trình tiếp nhận bệnh nhân, giám đốc bệnh viện nói “kíp trực báo cáo khi nhận được bệnh nhân lập tức cho thở ô xy ngay. Điều này đã được người nhà nạn nhân công nhận”.

Điều mâu thuẫn là, người nhà bệnh nhân thì cho biết khi đến viện, bác sĩ yêu cầu người nhà và bệnh nhân phải đi làm thủ tục nhập viện. Nhưng vị giám đốc Bệnh viện Lao lại khẳng định đó là do yêu cầu của người nhà bệnh nhân.

Khi di chuyển bệnh nhân ra khỏi phòng, phải buộc lòng rút bình thở ô xy cố định ra. Nhưng bệnh viện lại không có bình ô xy di động. Rút bình ô xy ra được 10 phút, bệnh nhân được cấp cứu nhưng khoảng 1 tiếng sau mới tử vong chứ không phải tử vong ngay. Sau vụ việc này chúng tôi sẽ xem xét, trang bị thêm dụng cụ cho phù hợp”.

Nhưng làm thủ tục chỉ cần người nhà đi, sao lại phải đưa cả bệnh nhân đi cùng? Trả lời câu hỏi này của phóng viên, giám đốc bệnh viện nói: “Quy trình là như vậy, nhưng ở đây có sự chưa hiểu về tình trạng bệnh nhân. Chúng tôi sẽ kiểm điểm xem động thái đó của y bác sĩ do trình độ năng lực, hay là do hành vi phạm tội”.

Giám đốc viện Lao nói gì về “cái chết bất ngờ” của bệnh nhân?
Bệnh nhân ra vào được kiểm soát nghiêm ngặt. Ảnh LD

Kíp trực có tắc trách hay không chúng tôi phải xem cụ thể mới đưa ra kết luận được. Thậm chí chúng tôi còn phải xem trong quá khứ có xảy ra tình trạng tương tự không, mức độ như thế nào. Nhưng có thể nói kinh nghiệm đội ngũ y tá trong kíp trực đó chưa có. Nếu là tôi, hoặc bất kỳ người có kinh nghiệm nào, trong trường hợp đó sẽ không xử lý như vậy” – ông Sỹ cho biết.

Khi được hỏi họ tên một số y bác sĩ trong kíp trực, ông Sỹ bảo “không nắm được” và chỉ nói chung chung kíp trực đó có 3 người. “Ai gỡ bình ô xy ra, chúng tôi không cần biết, mà chỉ cần biết kíp trực đó là những ai”.

Một số khúc mắc phóng viên đề cập, giám đốc Sỹ không trả lời và bảo “cái đó là chuyên môn, có giải thích các bạn cũng không hiểu”.

Cùng trao đổi với phóng viên, Thanh tra Bộ Y tế Vũ Sỹ Vân cho biết, theo luật định trong trường hợp này cơ quan giải quyết ban đầu sẽ là Bệnh viện Lao Trung ương. Nhưng nếu giải quyết rồi song người nhà không hài lòng, nếu có đơn thư của họ, thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra để đưa ra kết luận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại