Các nhà khoa học Mỹ, chuyên ngành sinh lý thần kinh Trường ĐH Y Harvard tại Boston đã tiến hành nghiên cứu hiện tượng những đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng hoặc bị các loài thú bắt mang về nuôi như trong câu chuyện nổi tiếng của nhà văn Anh Rudyard Kliping “Mowgli – chú bé rừng xanh”.
Họ chia những con chuột trong phòng thí nghiệm thành 2 nhóm: một nhóm bị cách ly với đồng loại từ khi vừa mới sinh ra và một nhóm sống trong môi trường bình thường của chúng. Sau 2 tuần các nhà khoa học so sánh bộ não của những con chuột này.
Họ nhận ra ở não những con chuột bị cách ly của nhóm 1 đã xảy ra những thay đổi đáng kể: các tế bào sản sinh ra mielin bọc ngoài những sợi thần kinh bị rối loạn hoạt động.
Mielin có tác dụng bảo vệ các nơron khỏi bị hư hại về mặt cơ và điện. Khi việc sản sinh ra nó bị rối loạn chính là nguyên nhân dẫn đến những bệnh về não sơ cứng rải rác (sclerpsos disseminata).
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong não chuột bị sống cách ly sản sinh ra ít mielin hơn nhiều so với chuột đối chứng. Các nhà khoa học không loại trừ là hiện tượng ấy cũng xảy ra đối với người. Những “đứa trẻ người rừng” (mowgli children) - bị thú nuôi từ nhỏ - cũng phải chịu đựng hậu quả này và được y học đặt tên là “hội chứng Mowgli”.
Trong lịch sử đã nhiều lần người ta từng bắt được những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy, cố gắng đưa chúng trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội nhưng chúng đều không thể hoà nhập được và bị chết sau một thời gian ngắn. Phải chăng hội chứng này có thể được điều trị bằng những loại thuốc kích thích việc sản sinh ra những chất protid cần thiết cho bộ não?
Song “hội chứng Mowgli” không đơn thuần chỉ có ở những “đứa trẻ người rừng”. Nó có thể xảy ra ở cả những đứa trẻ bất hạnh, bị bố mẹ bỏ rơi từ khi mới ra đời, sống vất vưởng, không được ai chăm sóc và thiếu cuộc sống tình cảm.
Trong những trường hợp này ở chúng sự phát triển ngôn ngữ kém cỏi, đi đứng không thẳng và không có những thói quen cần thiết ở con người. Đó cũng là hội chứng Mowgli.