Xuất phát từ thực trạng đào tạo phẫu thuật nhi ở Việt Nam, tính đặc thù của ngoại khoa nhi,… và những tai biến nguy hiểm có thể gặp phải, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngoại khoa nhi của Việt Nam xung quanh các vấn đề phẫu thuật nhi.
- Thưa GS. Nguyễn Thanh Liêm. Với tư cách là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngoại khoa nhi, GS có nhận xét gì về phẫu thuật nhi ở Việt Nam hiện nay?
GS. Nguyễn Thanh Liêm: Phẫu thuật nhi ở Việt Nam cần được nhìn nhận ở cả hai mặt tích cực và hạn chế. Về phẫu thuật nhi đỉnh cao ở Việt Nam và đặc biệt là ở Bệnh viện Nhi Trung ương có thể nói là phát triển tương đương với trình độ thế giới, tương đương với các trung tâm ngoại khoa nhi phát triển nhất của thế giới. Chúng ta đã có những chuyên gia được mời đi phẫu thuật, giảng dạy ở Hoa Kỳ, Châu âu. Bạn bè thế giới đang đánh giá chúng ta rất cao! Chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu xuất bản quốc tế. Tất cả những loại phẫu thuật nhi thế giới làm được ta đều làm được. Ngoài ra, chúng ta còn đóng góp nhiều kỹ thuật mới cho thế giới.
Có thể kể đến như phẫu thuật phát hiện cơ hoành. Chúng ta là đơn vị đầu tiên làm thành công phẫu thuật nội soi lồng ngực trẻ sơ sinh. Lần đầu tiên trên thế giới, chúng ta tiến hành thành công phẫu thuật nội soi lồng ngực cho trẻ mới sinh đang thở máy cao tần tại phòng hồi sức. Chúng ta cũng là nước đầu tiên tiến hành phẫu thuật thành công một số dị tật rất phức tạp. Chúng ta đề xuất kỹ thuật mổ không có hậu môn, dò trực tràng, niệu đạo bằng phương pháp mổ kết hợp nội soi và đường sau trực tràng…
Rất nhiều kỹ thuật mới của ta đã được bạn bè thế giới ứng dụng chưa kể đến việc cải tiến những kỹ thuật cũ.
Tuy nhiên, điều đó không phản ánh mặt bằng chung về phẫu thuật nhi ở Việt Nam. Về mặt bằng chung, chúng ta vẫn còn thua kém thế giới. Trình độ phẫu thuật, chất lượng phẫu thuật nhi ở ta đang có sự phân tầng khá rõ nét. Có thể ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội tốt nhưng ở các tuyến huyện, tuyến tỉnh, miền núi, hải đảo lại không hề tốt, chưa đạt được mong muốn.
GS. Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, chuyên gia ngoại khoa nhi hàng đầu Việt Nam và thế giới (Ảnh Thu Hòe)
- So với ngoại khoa người lớn, ngoại khoa nhi có những đặc thù riêng như thế nào thưa GS?
GS. Nguyễn Thanh Liêm: Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ. Do đó, giải phẫu khác, sinh lí khác, cơ chế bệnh sinh khác. Vị dụ như mổ thoái vị bẹn ở trẻ em, đường mổ khác người lớn. Người lớn dùng đường phân giác rất dài trong khi trẻ con chỉ dùng đường rạch ngang khoảng 2 cm. Người lớn phải bóc bao thoát vị trong khi đó trẻ con người ta chỉ cắt ống khúc tinh mạc và khâu lại.
Hay như mổ u nang, việc mổ của người lớn và trẻ con cũng là hai chuyện hoàn toàn khác biệt. Ngay như vấn đề kĩ thuật khâu nối của trẻ con cũng rất đặc thù. Loại chỉ dùng để khâu nối vết mổ của trẻ là loại chỉ rất bé, không như người lớn là có thể dùng loại chỉ to. Vấn đề hồi sức của trẻ con cũng đòi hỏi cao, tỉ mỉ và thận trọng hơn so với người lớn.
Cơ chế sinh bệnh khác dẫn đến nguyên tắc điều trị, nguyên tắc phẫu thuật khác. Về giải phẫu, lục phủ ngũ tạng trong cơ thể bệnh nhi rất bé nên kỹ thuật khâu nối, kỹ thuật bóc tách phải hết sức cẩn thận và khác người lớn.
Cơ thể của trẻ rất mỏng manh, rất yếu đuổi, dễ bị tổn thương, rất dễ bị sang chấn thành ra nguyên tắc phẫu thuật cũng khác, phải hết sức nhẹ nhàng, hết sức tránh sang chấn. Nguyên tắc không thể không kể đến trong phẫu thuật nhi là kết hợp phẫu thuật với hồi sức sau mổ.
Yếu tố hồi sức ở trẻ rất quan trọng, nhiều khi là yếu tố quyết định thành công của ca phẫu thuật. Ở nhiều trường hợp nó quan trong hơn cả phẫu thuật. Ví dụ như mổ thoái vị cơ hoành. Cuộc phẫu thuật chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ nhưng hồi sức đến 1-2 tuần thậm chí là 3 tuần. Thành công của ca mổ phụ thuộc một phần vào anh phẫu thuật, phần lớn phụ thuộc vào anh hồi sức, điều trị các biến chứng sau mổ như thế nào…
Chẩn đoán bệnh của trẻ con cũng rất khác biệt. Trẻ con nó chưa biết nói, các dấu hiệu bệnh không điển hình cho nên chẩn đoán bệnh rất khó và khác biệt. Đó là chưa nói có nhiều bệnh trẻ con có mà người lớn không có. Nếu bác sỹ chỉ học ngoại khoa người lớn thì không chẩn đoán được.
- Xin GS cho biết những tai biến thường gặp trong phẫu thuật nhi?
GS. Nguyễn Thanh Liêm: Đã có nhiều tai biến xảy ra thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Lấy ví dụ như, một cái dị tật không hậu môn của trẻ được giao cho phẫu thuật viên sản, phẫu thuật viên ngoại khoa người lớn mổ. Kết thúc ca mổ, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh nhưng không ai giám đảm bảo các chức năng sau mổ vận hành bình thường. Tôi nhấn mạnh, chỉ có phẫu thuật viên nhi mới hiểu được cơ chế bệnh sinh của bệnh nhân nhi và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Trẻ con là 1 quá trình phát triển liên tục. Những sai lầm trong quá trình điều trị sẽ để lại di chứng nặng nề cho trẻ. Sai lầm làm tổn hại đến các chức năng hô hấp, tuần hoàn, bài tiết, vận động, đại tiện, tiểu tiện,… sẽ theo trẻ đến hết cuộc đời ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ, sự phát triển thể chất, trí tuệ, tâm sinh lí của trẻ…
Mặt bằng chung của phẫu thuật nhi của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với thế giới (Ảnh Internet)
- Nguyên nhân của những hạn chế trong phẫu thuật nhi tại Việt Nam hiện nay là gì thưa GS?
GS. Nguyễn Thanh Liêm: Nguyên nhân là lỗi đào tạo. Vào những năm 1978 -1979, ở miền Nam đã thành lập được bộ môn phẫu thuật nhi, đã có đào tạo về phẫu thuật nhi. Những năm sau có đào tạo được chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sỹ, tiến sỹ về phẫu thuật nhi nhưng số lượng không nhiều. Tuy nhiên, về sau bộ môn phẫu thuật nhi bị chuyển thành một phân môn trong chương trình đào tạo y khoa.
Trong khi đó, ở miền Bắc trước nay chưa bao giờ có bộ môn phẫu thuật nhi. Trường ĐH chưa có một chương trình đào tạo nào chuyên sâu về phẫu thuật nhi. Chúng ta mới chỉ có 3 bài về bệnh học, phẫu thuật nhi hết sức sơ sài trong sách giáo khoa y khoa.
Đối với chương trình đào tạo sau ĐH, chúng ta không có chương trình đào tạo về ngoại nhi. Ở các bệnh viện tuyến cơ sở, chúng ta đang thiếu và không có người làm phẫu thuật nhi chuyên nghiệp. Có một thực tế là, ở các tỉnh, hầu hết các bác sỹ mổ nhi chỉ được đào tạo về ngoại nhi bổ sung ngắn hạn. Ở các tuyến huyện thì hấu hết không có bác sỹ có hiểu biết về ngoại nhi. Gần như 100%, họ được đào tạo ngoại khoa người lớn là chủ yếu.
Trẻ con chiểm 25-30 % dân số. Nhu cầu phẫu thuật rất lớn! Vấn đề ở đây là có nhận thức hay cố tình không nhận thức mà thôi. Tôi đã đề nghị Bộ Y tế bao nhiêu năm nay về việc thành lập bộ môn phẫu thuật nhi trong trường ĐH nhưng chưa được chấp thuận. Hiện tại, chúng ta hoàn toàn có đủ đội ngũ giáo sư, tiến sỹ, giảnh viên được đào tạo bài bản về ngoại nhi có thể giảng dạy. Các điều kiện khác cũng hoàn toàn có thể hỗ trợ tốt. Đây cũng là nguồn để cung cấp đội ngũ y bác sỹ ngoại nhi cho các bệnh viện tuyến cơ sở.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi Trung ương đã được Bộ Y tế cho phép đào tạo chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 ngoại nhi. Chúng tôi đang tiến hành chiêu sinh khóa 1 và sắp tới bệnh viện cũng tiến hành đào tạo bác sỹ nội trú.
- Thưa GS. Nguyễn Thanh Liêm. Tiêu chí cần và đủ của một bác sỹ ngoại khoa nhi là gì?
GS. Nguyễn Thanh Liêm: Theo quan điểm của tôi, ai muốn làm ngoại nhi bắt buộc phải được đào tạo bài bản về ngoại nhi. Có như vậy mới tránh được tai biến cho bệnh nhân.
Bác sỹ phải được đào tạo chuyên khoa về ngoại nhi hoặc là thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư mới có thể tiến hành mổ nhi. Bác sỹ được đào tạo về ngoại nhi tối thiểu 2 năm mới được đứng mổ các trường hợp đơn giản. Chưa được đào tạo thì không được đứng mổ.
Phẫu thuật nhi nặng về phẫu thuật chức năng. Nó khác người lớn là nặng về giải phẫu. Trẻ con hầu hết là các dị tật bẩm sinh. Do đó, phẫu thuật nhi thiên về sửa chữa các khuyết tật giải phẫu cao hơn là phục hồi các chức năng. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của GS. Chúc GS sức khỏe và có nhiều cống hiến to lớn hơn với ngành y tế Việt Nam!