PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, lưu huỳnh có trong đũa ăn thường không cao do đũa khô, khí SO2 bám lại không nhiều.
Nhất là sau khi xông người sản xuất có thể phơi hoặc qua quá trình sản xuất khác nên khí độc không còn bao nhiêu. Ngược lại, nếu lưu huỳnh có trong thực phẩm như măng khô... có thể gây độc. Bởi măng ẩm ướt, khí lưu huỳnh đọng lại trong thực phẩm nhiều.
Ở phương diện hóa học phân tích, ThS Trần Quốc Tuấn (Viện Hóa học Công nghiệp) khẳng định, nếu sử dụng lưu huỳnh với cách xông nhằm chống mốc cho măng khô (không phải là xát lưu huỳnh để lấy màu vàng như nhiều báo thông tin) thì vẫn khó có thể gây độc cho người dùng.
Bởi, măng khô sau khi người dân mua về sẽ được ngâm, luộc qua nhiều nước trước khi chế biến làm thức ăn. Lúc này lưu huỳnh đã chuyển đổi sang dạng khí và bay hơi gần hết. Vì thế, rất khó gây độc cho người ăn
Tuy nhiên, ThS Trần Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh: "Đấy là phân tích theo công thức hóa học, còn ở phương diện sản xuất, người dân thường ít hiểu biết nên làm không tuân thủ nguyên tắc nào, ví dụ, dùng lưu huỳnh không tinh khiết, lẫn nhiều tạp chất... Điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính người dùng. Vì thế cần áp dụng các quy định của Bộ Y tế".
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, việc sử dụng lưu huỳnh để xông theo cách thủ công như hiện nay đang có hại đến người sản xuất trước tiên. Bởi khi lưu huỳnh tác động với ô-xy sẽ bay hơi khí SO2, đây là khí rất độc. Khí này nhiễm độc qua da, đường hô hấp như ngửi và có nguy cơ bị tích trữ trong cơ thể.
Đồng thời, chất này làm rối loạn chuyển hóa chất từ đó gây ra các nguy cơ khác cho sức khoẻ. Các biểu hiện đầu tiên có thể do nhiễm khí độc là ho. Không những thế, khí SO2 khi bay hơi ra ngoài môi trường làm các khu vực xung quanh cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Để đảm bảo an toàn, nhất thiết các lò xông lưu huỳnh cần được khép kín, thu khí tuần hoàn để tránh mất an toàn lao động. Tuy nhiên, đây lại là điều khó khăn đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp.