Khoa Nội 1 (BV 19.8) đã điều trị cho một bệnh nhân là Nguyễn Thị Kim T (47 tuổi, ở Hà Nội) có biểu hiện động kinh, có tiền sử đau đầu đã 10 năm, thể trạng gầy yếu, da nhợt nhạt. Chị đột nhiên bị đau đầu dữ dội, co giật toàn thân cắn vào lưỡi, trong cơn co giật mất ý thức.
Khi được cấp cứu, chị T tỉnh lại, nhưng không nhớ việc đã xảy ra.
Từ hướng chẩn đoán lúc nhập viện là động kinh toàn thể chưa rõ nguyên
nhân, các BS đã kiểm tra siêu âm, chụp não và xét nghiệm, cho thấy chị
đã bị nhiễm giun chó.
Khi hỏi chuyện, các BS được biết nhà chị nuôi nhiều chó, mèo, chị thường chăm sóc cho các con vật này. Chính loại ký sinh trùng giun chó này khi vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống đã xâm nhập ruột, máu, theo đó đến gan, tim, phổi, cơ vân, não, mắt...
Sau đó, các ấu trùng trứng giun được rải rác khắp các cơ quan khác trong cơ thể và đọng lại ở đây. Ấu trùng giun chó không phát triển trong cơ thể người, nhưng có thể bảo tồn sự sống trong thời gian dài, dần dần ấu trùng tạo thành nang và chết trong đó.
Phải chứa các nang này một cách bất đắc dĩ, cơ thể dần bị tổn thương các thành mạch máu, mô mềm, hoại tử và chảy máu. Rất may, chị T đã được chẩn đoán kịp thời và được điều trị 3 đợt bằng các thuốc chống động kinh, các thuốc dinh dưỡng tế bào thần kinh và nâng cao thể trạng nên đã phục hồi sức khỏe.
Theo BS Đỗ Thị Lệ Thúy - Phó Trưởng khoa Nội 1, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân - cho hay: Nhiễm ký sinh trùng giun chó thể não là bệnh hiếm gặp và khó chẩn đoán, vì biểu hiện bệnh rất nghèo nàn.
Điều trị bệnh không khó, nhưng bệnh sẽ rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người bệnh sẽ bị các biến chứng đau đầu, cổ cứng, liệt vận động, động kinh, hôn mê, liệt một số dây thần kinh sọ và rối loạn thị lực.
Người bệnh có thể bị nhiễm giun đũa chó khi dùng thức ăn, nước uống có chứa trứng giun, hoặc khi chăm sóc chó. Bệnh thường gặp ở trẻ em, bác sĩ thú y, công nhân cầu cống, nông dân, đặc biệt là một số người có nuôi chó trong nhà mà không có chế độ vệ sinh hợp lý, an toàn.
Để phòng bệnh, cần diệt trừ nguồn lây bằng cách theo dõi và tẩy giun cho chó định kỳ. Đặc biệt, nên theo dõi điều trị chó con trước 4- 6 tháng tuổi, vì chúng hay bị lây nhiễm giun và có mối quan hệ gần gũi với người. Vệ sinh cho chó thường xuyên, không để trứng giun bám vào lông chó, rửa tay sau khi chăm sóc chó và trước khi ăn.
Theo Q.D
Lao động