Trẻ tự kỷ bị tổn thương trong tương tác xã hội, giao tiếp xã hội và tưởng tượng. Trẻ cũng có hành vi lặp đi lặp lại và nhạy cảm giác quan. Những trẻ này có khuynh hướng khó khăn trong học tập và nhiều trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ.
Theo thống kê, cứ 10.000 trẻ thì có 1-5 trẻ mắc bệnh tự kỷ. Tỷ lệ trẻ trai mắc bệnh cao gấp 3-4 lần trẻ gái. Bố mẹ thường khó phát hiện sự bất thường của con mình vì cho đến trước 2 tuổi, sự phát triển của trẻ dường như diễn ra bình thường. Các cháu vẫn có vẻ ngoài dễ thương hiền lành, ăn uống và ngủ tốt, phát triển vận động tốt. Chỉ đến khi đã hơn 2 tuổi mà không chịu nói gì hoặc không nói nữa (nếu trước đó đã bập bẹ vài từ) và có vài ứng xử khác thường so với trẻ cùng tuổi, cha mẹ mới nghi ngờ về sự phát triển của con mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ cho đó là biểu hiện của cá tính của trẻ.
Các dấu hiệu của bệnh tự kỷ
- Trẻ đã 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ.
- Không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi, không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi.
- Trẻ đã có một số kỹ năng ngôn ngữ vào độ tuổi nào đó (14-16 tháng) nhưng sau đó tự nhiên mất hẳn, thường là sau khi trải qua một sự kiện như ngã ở nhà trẻ, lên sởi, nằm viện...
- Không bị lôi cuốn vào các đồ chơi, trò chơi.
- Rất ít hứng thú kết bạn.
- Không nhìn ai hay chú ý vào ai, thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu, chẳng hạn chiếc quạt đang quay...
- Không trả lời, không ngoảnh lại khi nghe gọi tên.
- Rất ít hoặc không có tiếp xúc mắt.
- Không có động tác giơ tay ra đòi bế ẵm.
- Có các động tác cơ thể lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đập đập tay, lắc lư thân thể.
- Khi giận dữ hoặc không đồng ý điều gì đấy thì hét lên (tiếng kêu chói tai), bứt tóc, đập chân tay xuống sàn nhà, đập đầu vào tường.
- Không thích người khác động chạm vào người.
- Ưa thích sự ổn định trật tự, thường chống đối rất mạnh mẽ việc thay đổi những gì đã quen thuộc.
- Cực kỳ nhạy cảm đối với một số âm thanh và mùi vị.
Một số dấu hiệu trên cũng có thể xuất hiện ở trẻ em bình thường, nhưng chỉ tồn tại đơn lẻ. Nếu thấy một số dấu hiệu xuất hiện đồng thời và dai dẳng, cha mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra hoạt động thần kinh, não và gặp các nhà chuyên môn về tâm lý để sớm được chữa trị.
Điều trị bệnh tự kỷ
Bệnh tự kỷ ở trẻ em hiện vẫn là căn bệnh còn xa lạ đối với các bậc cha mẹ. Trẻ bị bệnh vẫn khoẻ mạnh bình thường, nhưng luôn có những hành vi bất thường. Nhiều cha mẹ không chú ý đến sự khác thường của con trẻ hoặc có biết thì lại cho là bình thường, nên hầu hết trẻ khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Nếu gia đình ít cho trẻ giao tiếp với bên ngoài thì mức độ tự kỷ của trẻ càng nặng hơn.
Trẻ tự kỷ cần được điều trị sớm ngay từ khi phát hiện bệnh, cần được đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Bố mẹ trẻ cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để tạo hiệu quả tốt trong việc tập luyện. Việc phát hiện muộn bệnh tự kỷ sẽ hạn chế rất nhiều kết quả trị liệu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển ngôn ngữ và khả năng xã hội của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để phát hiện sớm căn bệnh này.
Theo Bác sĩ Vũ Minh
Sức khỏe & Đời sống