Ngày 6/1 tại BVĐK tỉnh Kon Tum, tình trạng sức khỏe bé Rơ Châm Niêm (sinh ngày 1/11/2012) đang trong giai đoạn phục hồi sau mổ, vết mổ khô, liền da tốt. Cháu đã tự bú mẹ được và có thể xuất viện vào tuần tới.
Những ngày qua bé đã phải vật lộn với tử thần vì chứng thoát vị hoành sơ sinh. Trưa 17/12/2012, bé nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng với biểu hiện sốt cao, ho, bỏ bú, khó thở, nhịp thở 65 lần một phút, co rút lõm lồng ngực.
Bé Niêm được siêu âm tim mạch, chụp X quang phổi, chụp CT Scanner lồng ngực. Bác sĩ Hồ Ngọc Linh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh kết luận: Cháu bé bị thoát vị hoành bên trái, một phần gan trái, ruột chui qua cơ hoành lên lồng ngực trái, viêm phổi 2 bên, trung thất bị đẩy lệch qua bên phải.
Bác sĩ chỉ định phải mổ. Tuy nhiên vì còn quá nhỏ, bé được hồi sức trước mổ, một tuần sau mới phẫu thuật cấp cứu, sau đó chuyển qua khoa nhi chăm sóc, điều trị tích cực.
Theo BS Hồ Ngọc Linh, đây là trường hợp trẻ sơ sinh thứ 3 bị thoát vị hoành bẩm sinh được chẩn đoán và điều trị thành công tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum kể từ năm 1996 đến nay.
Thoát vị hoành sơ sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách.
Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường có tổn thương phổi nặng nề. Bệnh thường chiếm tỉ lệ 1/12.500 trẻ mới sinh ra, tỷ lệ tử vong là khoảng từ 30 đến 50%. Trẻ sơ sinh có triệu chứng suy hô hấp ngay sau đẻ. Trẻ khó thở, tím tái, thường thấy ngay từ nhịp thở đầu tiên, bụng lõm, ngực phồng.
Nghe phổi rì rào, phế nang cùng bên bị thoát vị giảm, tim bị đẩy sang bên đối diện, nghe thấy có tiếng nhu động ruột lên ngực. Nếu hồi sức tim phổi bằng cách bóp bóng thì càng thấy trẻ tím hơn.
Thoát vị cơ hoành thường làm vùng phổi bị các tạng xâm lấn, chèn ép cơ giới làm cho giảm sinh phổi. Các tiến bộ khoa học gần đây cho rằng sự giảm sinh phổi này còn đồng thời với sự thiếu hụt cơ hoành. Tỷ lệ tử vong vẫn còn cao vì phổi vẫn không được cải thiện mặc dù bệnh nhân đã được điều trị đóng lỗ thoát vị.
Bệnh được chỉ định cấp cứu ban đầu và thở oxy qua mũi hoặc đặt nội khí quản, tránh bóp bóng qua mặt nạ, đặt sonde dạ dày. Hồi sức trước mổ tốt, đặc biệt trong trường hợp có suy hô hấp, lỗ thoát vị rộng. Mổ cấp cứu ngay khi có chẩn đoán xác định, để giải phóng phần tổ chức phổi bị giảm sinh càng sớm càng tốt.
Vì vậy, các bà mẹ sau khi sinh, nếu thấy trẻ bất thường về hô hấp và nhịp thở cần đưa tới cơ sở y tế khám và điều trị.