Khổ qua được chọn làm một trong 6 cây thuốc tiêu biểu trong bộ tem dược thảo phát hành năm 1996. Như vậy thì khổ qua có giá trị trị liệu đáng cho chúng ta tìm hiểu.
Ảnh: Đ.N.Thạch
Giá trị dinh dưỡng: Theo tài liệu của Trường đại học Purdue về các loại rau quả châu Á nhập vào Mỹ, khổ qua có nhiều nước, protein, lipid, carbohydrat, vitamin A, B1, B2, C, khoáng chất như calcium, potassium, magné, sắt, kẽm.
Giá trị trị liệu: Trái và hạt khổ qua đều sử dụng được, có thể hỗ trợ cho các trường hợp điều trị tiểu đường; cải thiện đường huyết và cải thiện dung nạp glucose; giảm cholesterol, hạn chế tiến trình bệnh võng mạc (do biến chứng từ bệnh tiểu đường). Khổ qua còn có tác dụng kháng khuẩn, chống u bướu và có thể ức chế tổng hợp protein. Giảm đau, chống chướng hơi, giải độc, táo bón, kiết lỵ, trĩ. Khổ qua góp phần trong việc chữa trị bệnh ngoài da như mụn nhọt, rôm sẩy, eczéma, phỏng, nhiễm trùng da.
Lưu ý: Dùng khổ qua quá nhiều và lâu dài có thể gây rối loạn tiêu hóa; hoặc gây hôn mê do đường huyết tụt quá thấp. Do có tính mát, nên người có chứng rối loạn chức năng tiêu hóa do lạnh không nên dùng.
Món ăn bài thuốc từ khổ qua
- Gỏi khổ qua (giải nhiệt, giải độc, sáng mắt, hạ đường huyết): Khổ qua bỏ hột, bào mỏng, xóc ít muối, xả lại nhiều lần với nước sạch, vắt ráo. Xào tôm khô với tỏi cho thơm, cho vào khổ qua, vắt thêm chanh, cho nước mắm, đường nêm vừa ăn. Có thể bào thêm một ít su su trộn chung.
- Nước khổ qua(trị nóng gan, bốc hỏa, mắt đỏ sưng đau): Khổ qua tươi 500 gr, rửa sạch, cắt lát, cho vào nồi, thêm 250 ml nước, nấu khoảng 10 phút. Uống thay nước.
- Cật heo xào khổ qua (giảm stress, ngủ ngon): Cật heo khía hoa ướp với hành tím băm, ướp gia vị và một chút dầu mè, để 5 phút cho thấm. Đun nóng dầu, cho cật heo vào xào đều tay, sau khi cật heo săn chín tiếp tục cho khổ qua đã cắt miếng nhỏ vào xào tiếp tục cho chín. Nêm nếm vừa ăn và cho ra đĩa, rắc hạt điều rang giã dập.
Theo Minh Quân
Thanh niên