Cô gái thoát chết hy hữu sau 12 giờ tim ngừng đập

Theo Vietnamnet |

Bệnh nhân nữ 27 tuổi may mắn này đang điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Tim “chết”, người sống

Bệnh nhân tên Nguyễn Thị Thảo, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ngày 20/12/2012, chị Thảo bị ho, sốt, khó thở, đau ngực. Sau khi vào bệnh viện địa phương điều trị 2 ngày, tình trạng khó thở tăng lên, chị Thảo được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh với chẩn đoán nhồi máu cơ tim hoặc viêm cơ tim.

Chị Thảo được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong trạng thái tỉnh táo, cơ thể mệt mỏi, khó thở. Bệnh nhân không đo được huyết áp, tim loạn nhịp liên tục.

Khi vào viện, tim của bệnh nhân Thảo gần như đã ngừng hoạt động. Trạng thái này đã diễn ra liên tục 12 tiếng trước khi bệnh nhân được khởi động hệ thống tim phổi ngoài cơ thể tại giường để cấp cứu (Ảnh do bác sỹ cung cấp)

Ngay lập tức, chị Thảo được đặt một máy tạo nhịp cấp cứu trong buồng tim và đặt ống nội khí quản hỗ trợ hô hấp.

Lúc này, khi đã đảm bảo kiểm soát được nhịp tim, các bác sĩ nhận thấy cơ tim co bóp quá yếu không đủ sức đẩy máu vào hệ thống tuần hoàn dẫn đến tình trạng sốc.

Các bác sỹ đã tính đến chuyện hỗ trợ tim phổi tại giường và chuyển ngay đến khoa Hồi sức tích cực.

Khi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, chị Thảo thở máy hoàn toàn, tim loạn nhịp, không đo được huyết áp (mặc dù vẫn duy trì 4 loại thuốc trợ tim và chống loạn nhịp với liều tối đa).

Các xét nghiệm cho thấy chị đã bị suy đa tạng do các tạng không được tưới máu vì sốc tim, chắc chắn sẽ tử vong.

Bệnh nhân ngay lập tức được khởi động hệ thống tim phổi ngoài cơ thể tại giường (gọi tắt là ECMO).

Bình thường, nếu không có hệ thống này, tim và phổi của bệnh nhân sẽ được xử lý để tiếp tục hoạt động. Nhưng như vậy sẽ khiến tim, phổi càng bị quá sức, vì vốn nó đã đang “ốm yếu”. Nhưng với hệ thống này, tim và phổi của bệnh nhân được “nghỉ ngơi” hoàn toàn.

Hệ thống máy sẽ làm thay nhiệm vụ trộn oxy vào máu và tách khí cacbonic ra, rồi bơm vào hệ thống mạch máu (thực chất là làm thay công việc của tim và phổi), đem máu và oxy đến khắp cơ thể.

Bệnh nhân Thảo trong quá trình phẫu thuật, cấp cứu (Ảnh do bác sỹ cung cấp)

Song song với hoạt động của hệ thống này là kết hợp tìm và điều trị nguyên nhân gây ra bệnh và chờ cho đến khi tim, phổi của bệnh nhân hồi phục dần. Hệ thống chỉ ngừng khi nào tim và phổi của bệnh nhân khỏe mạnh và đủ khả năng hoạt động độc lập trở lại”, PGS.TS Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

Bác sỹ Mai Văn Cường, Phạm Thế Thạch, Bùi Văn Cường của khoa Hồi sức tích cực và 2 bác sỹ của viện Tim mạch là bác sỹ Phạm Nhật Minh, Vương Hải Hà là những người đã trực tiếp tham gia cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo.

Bác sỹ Mai Văn Cường và bác sỹ Phạm Thế Thạch cho biết: Hệ thống ECMO này khác với hệ thống hỗ trợ tim phổi trong phòng mổ. Hệ thống tim phổi trong phòng mổ chủ yếu được dùng để hỗ trợ tim trong quá trình thực hiện ca mổ tim, phổi hoặc mạch máu và thường hoạt động được trong vòng 4 đến 12 tiếng (xung quanh cuộc mổ).

Nhưng hệ thống ECMO có thể hoạt động liên tục trong thời gian dài (có thể lên đến hàng tháng – cho những bệnh nhân nặng, chờ ghép tim).

Với bệnh nhân Thảo, thời gian thực hiện kỹ thuật này cho đến khi tim của chị hồi phục được kéo dài 136 giờ đồng hồ.

Trở về từ cõi chết

Ngày thứ 6 sau khi được cấp cứu bằng hệ thống ECMO, bệnh nhân Thảo đã có thể rút ống nội khí quản, tự thở bình thường.

Sau 2 tuần được điều trị và theo dõi sát sao, bệnh nhân Thảo đã khỏe mạnh hoàn toàn, tự thở, tự đi lại được mà không cần hỗ trợ nào.

Đã thoát khỏi “bàn tay tử thần”, nhưng đến ngày được ra viện, chị Thảo vẫn như không tin vào sự may mắn của mình.

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân Thảo từ chỗ cận kề cái chết đã có thể tự thở, tự đi lại bình thường (Ảnh: C.Q)

Bác sỹ Phạm Thế Thạch cho biết: Để thực hiện được kỹ thuật này, các bác sỹ sẽ tiến hành mổ và đặt các ống thông vào động mạch chủ và tĩnh mạch chủ ở đùi để nối thiết bị tim phổi nhân tạo bên ngoài nhằm đảm bảo quá trình hoạt động bình thường, vận chuyển máu đến các cơ quan trong cơ thể.

Điều khó khăn nhất khi thực hiện kỹ thuật này là phải làm sao để tránh tình trạng chảy máu hoặc đông máu (gây tắc bộ màng trao đổi oxy). Liên tục phải kiểm soát tình trạng đông cầm máu, và sớm phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng suy các tạng (tim, phổi, thận, gan, não, máu,…)

Trong quá trình thực hiện cấp cứu đối với bệnh nhân Thảo, bác sỹ Thạch nhấn mạnh yếu tố thời gian.

Yếu tố thời gian là rất quan trọng, bệnh nhân bị viêm cơ tim diễn tiến rất nhanh, sốc tim quá gấp, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ khó qua khỏi”, bác sỹ Thạch nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại