Chuyện ít biết về Khoa Tâm thần giữa... rừng

havan |

Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đã tiếp tục quay trở lại đơn vị chiến đấu, trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ...

Để phục vụ công tác chăm sóc, điều trị sức khoẻ cho bộ đội ta trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ được tốt hơn, tại mặt trận Tây Nguyên (B3), Viện 211 đã thành lập thêm Khoa Tâm thần giữa rừng Trường Sơn.

Khoa thành lập trong 20 ngày

Ngót 40 năm đã trôi qua song với GS Phan Chúc Lâm, nguyên là Trưởng khoa Tâm thần, Viện 211 thì ký ức về những năm tháng làm ở khoa vẫn in đậm trong tâm trí ông.

Ông nhớ lại: "Năm 1963, tôi 31 tuổi, đang là bác sĩ tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện 103. Tôi nhận được lệnh vào công tác tại Viện 211 (được thành lập trên cơ sở của Bệnh viện 108 và 103), sau hơn một tháng hành quân thì vào đến Viện.

Thời gian ấy, các khoa trong Viện đều có rải rác những người bị rối loạn tâm thần. Họ đều là những chiến sĩ đã từng cầm súng chiến đấu. Viện lại chưa có một khoa chuyên biệt để chữa trị cho họ. Phải đến năm 1971, Viện trưởng Lê Cao Đài gọi tôi lên và giao nhiệm vụ trong 20 ngày phải lập khoa về Tâm thần".

Chỉ thị của lãnh đạo khiến ông Lâm lo lắng rất nhiều. Làm sao trong 20 ngày phải gây dựng xong cơ sở vật chất, đồng thời tiếp nhận bệnh nhân, trong khi cả khoa chỉ có 12 người (gồm 3 bác sĩ, còn lại là y tá, kỹ thuật viên, cấp dưỡng)?

"Không còn cách nào khác là chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào việc, làm ngày đêm, từ đốn cây cổ thụ dựng lán, rồi lợp mái cũng bằng lá cây. Dần dần, những lán trại được dựng lên. Bệnh nhân lần lượt chuyển về khoa. Trong 20 ngày, công việc cơ bản hoàn thành với 15 bệnh nhân đầu tiên", ông Lâm kể.

chuyen-it-biet-ve-khoa-tam-than-giua-rung

Với GS Lâm, ký ức về những ngày làm việc tại Khoa Tâm thần, Viện 211 vẫn in sâu trong tâm trí.

Suýt bỏ mạng giữa rừng

Thế nhưng, khoa lại tiếp tục đối diện với những khó khăn. Thuốc điều trị đặc hiệu không có, các khoa trong Viện phải sàng lọc những thuốc có chứa thành phần điều trị tâm thần để chuyển sang cho khoa. "Hầu hết thuốc đặc hiệu có được là chiến lợi phẩm bộ đội ta thu được trong trận thắng Đắk Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972", ông Lâm kể.

Chuyện điều trị cho bệnh nhân tâm thần ở khoa cũng thật đặc biệt. GS Phan Chúc Lâm cho hay, với những bệnh viện tâm thần, người ta phải có tường rào bao quanh, đồng thời trong khuôn viên không có cây cao để tránh việc bệnh nhân trèo lên bị ngã hoặc thắt cổ. Thế nhưng, với Khoa Thần kinh giữa rừng Trường Sơn, những điều ấy hoàn toàn không thể. Vậy nên, chuyện cả khoa đổ xô đi tìm bệnh nhân, thậm chí có tới hai lần phải huy động cả lực lượng bộ đội dàn hàng ngang đi tìm là... chuyện thường ngày ở Viện.

"Có một lần, tôi đuổi theo một bệnh nhân tâm thần đang bỏ trốn. Chạy mãi thì mất dấu của người đó, mất luôn cả... đường về. Ngày ấy, ở rừng nhiều voi lắm. Tôi vừa tìm đường về vừa nơm nớp lo sợ, rằng rất có thể mình sẽ phải bỏ mạng giữa rừng. Nhớ lại, lúc tôi chạy theo bệnh nhân là ngược hướng bờ suối. Vậy là tôi cứ rẽ cây rừng, lần xuôi theo bờ suối mà đi. Sau một ngày một đêm, tôi cũng tìm được về khoa", ông Lâm bùi ngùi kể.

Trong thời gian hoạt động, bên cạnh công tác chuyên môn là điều trị cho bệnh nhân tâm thần, tất cả cán bộ, nhân viên trong khoa còn phải trực tiếp làm rẫy, trồng sắn, trồng lúa, vì Viện nằm sâu trong rừng, việc tiếp tế rất khó khăn. Cũng theo ông Phan Chúc Lâm, nhiều bệnh nhân được khoa chữa khỏi đã trở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu. Chỉ có gần 10 người bị bệnh do di truyền, được chuyển ra Bắc tiếp tục điều trị.

Khoa Tâm thần Viện 211 hoạt động chừng hơn ba năm thì chiến dịch Tây Nguyên nổ ra và thắng lợi. Một bộ phận cán bộ, nhân viên Viện 211 được cử đi theo Quân đoàn 3 Tây Nguyên để cứu chữa thương binh trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ông Lâm được cử làm đội trưởng. Năm 1976, ông chuyển ra Hà Nội, được cử đi học ở nước ngoài và công tác tại bệnh viện 108.

"Sau này, có mấy người từng là bệnh nhân ở Khoa Tâm thần Viện 211 ra Hà Nội, đến thăm tôi. Có anh đã trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, có anh là Chiến sĩ thi đua", GS Phan Chúc Lâm không giấu được niềm xúc động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại