'Chảy' 1 tỷ USD ra nước ngoài vì y tế nội quá kém

Theo Vnexpress |

Mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam đến Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Pháp, để chữa bệnh, do chưa tin tưởng chất lượng điều trị trong nước.

Ước tính chưa đầy đủ của ngành y tế cho thấy, mỗi năm bệnh nhân Việt chi trên 1 tỉ USD cho chi phí dịch vụ y tế nước ngoài. Số tiền này không chỉ trả viện phí, mà còn cả chi phí cho người đi theo chăm sóc, tiền phiên dịch, tái khám.

Thảo luận tại h ội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời đổi mới - Người Việt Nam khám, chữa bệnh ở Việt Nam” tổ chức ngày 26/1 tại TP HCM, lãnh đạo của các bệnh viện nhìn nhận chất lượng y tế trong nước kém chuyên nghiệp là nguyên nhân khiến bệnh nhân chưa tin tưởng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người chọn ra nước ngoài khám chữa bệnh thường có điều kiện. Chính vì thế họ mong muốn nhận được những dịch vụ tốt, xứng đáng. Điều này các cơ sở y tế trong nước chưa đáp ứng được.

Tình trạng quá tải bệnh nhân khiến chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế trong nước kém. Cảnh chờ đợi và chuyện bình nhân nằm hành lang không còn lạ

Tình trạng quá tải bệnh nhân khiến chất lượng điều trị tại các cơ sở y
tế trong nước kém. Cảnh chờ đợi và nằm hành lang trở thành cảnh bình thường ở các bệnh viện. Ảnh: Thiên Chương

"Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là hiện điều kiện bệnh viện Việt Nam vẫn còn rất nhiều thiếu thốn. Tính chuyên nghiệp chưa có, trình độ bác sĩ nếu phân chia ra thì chỉ 20% tốt, 60% trung bình, 20% là rất yếu", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, người bệnh cũng chỉ tin vào những bệnh viện có thương hiệu, các bệnh viện tuyến trên nơi tập trung những bác sĩ giỏi. Do đó, công tác đầu tư vào nguồn nhân lực y tế cần phải được chú trọng hơn nữa, muốn thu hút bệnh nhân trước hết chúng ta phải tự thay đổi.

"Bộ Y tế nên có những thống kê rõ ràng những cái mà chúng ta làm được, ở đâu làm được, phát huy tinh thần 'Tất cả vì người bệnh, đảm bảo công bằng, người nghèo cũng phải được hưởng lợi từ những thành tựu của y học', có như vậy mới phần nào thu hút được bệnh nhân ở lại Việt Nam", ông Hùng nói.

Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Hải Yến, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM cũng thừa nhận, hiện đội ngũ chuyên môn giỏi tại Việt Nam chỉ tập trung ở một số bệnh viện công tuyến trên. Các bệnh viện tuyến dưới dù được đầu tư thiết bị hiện đại vẫn vắng bệnh nhân bởi không có bác sĩ giỏi.

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP HCM, không ít bệnh nhân chọn ra nước ngoài vì tin rằng dịch vụ thẩm mỹ ở nước ngoài tốt hơn. Điều này có lý do vì với chính sách của các nước, người bệnh không chỉ được làm đẹp mà còn được tạo điều kiện cho đi du lịch.

Tiến sĩ Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra 8 giải pháp góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện, thu hút bệnh nhân ở lại Việt Nam chữa bệnh như tiến tới việc thu viện phí theo mức 4 là “Tính đủ, thu đủ”, đối tượng người nghèo, diện chính sách sẽ có báo hiểm xã hội chi trả.

"Cần nâng cao chất lượng, tay nghề đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất để xóa bỏ tâm lý “sính ngoại”, “trọng ngoại” của người dân. Trong đó đặc biệt chú ý đến giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, quá tải chỗ nào nâng cao chất lượng chỗ đó, chú trọng phát triển bệnh viện tuyến dưới", ông Tường nói.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam hiện có rất nhiều bác sĩ giỏi, chữa được nhiều bệnh khó, nhiều bệnh viện đạt chuẩn chất lượng y tế, dịch vụ tốt. Tuy nhiên do thông tin truyền thông chưa đầy đủ và độ chính xác chưa cao. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa hợp lý nên chưa được lòng tin từ bệnh nhân.

Bên cạnh những nhược điểm mang tính chủ quan và khách quan của các cơ sở khám chữa bệnh trong nước, theo các bác sĩ, việc bệnh nhân chê điều trị trong nước còn xuất phát từ tâm lý sính ngoại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến minh họa một trường hợp bệnh nhân chỉ bị "nhau tiền đạo trung tâm" lẽ ra có thể chữa dễ dàng ở trong nước nhưng vẫn sang Singapore để chữa trị với chi phí khá cao. Người bệnh này cuối cùng cũng phải trở về nước tái khám và tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Lê Hành cũng dẫn chứng không ít trường hợp gia đình không có tiền nhưng vẫn cố gắng sang nước ngoài làm đẹp. Hậu quả là "nửa đường gãy gánh", khi bị biến chứng không đủ tiền trở lại nước ngoài chữa trị đành phải đến bệnh viện trong nước. Riêng hai bệnh viện Ung Bướu TP HCM và Bệnh viện Truyền máu huyết học, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân sang nước ngoài điều trị không hiệu quả và quá tốn kém nên đành quay trở về.

Dù rằng chất lượng phục vụ trong nước chưa thật chuyên nghiệp, nhưng theo các bác sĩ, việc bất đồng ngôn ngữ, không dễ tìm bác sĩ giỏi ở nước ngoài  và chi phí điều trị cao là những điều người bệnh nên tìm hiểu thật kỹ nhằm tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại