Bệnh nhi nhập viện ngày 5/1 trong tình trạng thở nhanh, bên trái gương mặt là một khối bướu to chảy xuống cổ. Mẹ bé cho hay đã phát hiện tình trạng này khi siêu âm trước sinh nhưng vẫn quyết định giữ thai.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, người trực tiếp điều trị cho bé cho biết, qua chẩn đoán hình ảnh, khối bướu đã lan rộng gây chèn ép khí quản và phần trên của phổi bên phải.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt khối bướu nhằm ngăn tình trạng bướu cứ lớn dần gây chèn ép phổi và các bộ phận khác ở bên trong. Ca mổ kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, 95% khối u đã được bóc tách.
"Khó khăn nhất trong lúc phẫu thuật là khối u ôm vào trọn mạch máu sinh tử của cơ thể và đám dây thần kinh chi chít. Chỉ cần chạm vào mạch máu chính thì trẻ có thể sẽ lập tức tử vong. Ngoài ra, nếu tách không khéo sẽ làm thủng sàn miệng khiến bé gặp nhiều di chứng phức tạp", bác sĩ Hiếu cho biết.
Trưa nay, 2 ngày sau mổ, vẫn thở máy và được hồi sức tích cực nhưng sức khỏe của bé đã ổn định.
Bác sĩ Hiếu cho biết, đây là loại bướu bạch huyết thi thoảng vẫn thấy ở trẻ sơ sinh. Bướu phát hiện trong thai kỳ nhưng chỉ có thể can thiệp ngoại khoa sau sinh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi năm có khoảng 20 trường hợp bướu bạch huyết được phẫu thuật.
Bướu có thể tái phát. Trong lần mổ đầu tiên, nếu bác sĩ lấy được trọn khối bướu thì thời gian tái phát sẽ lâu hơn.