Chấp nhận ‘đau thương’ để nâng ngực

lananh |

Nâng ngực xong, chị em phải chịu đau từ vài tháng đến nửa năm, và sau một số năm lại phải mổ tháo nó ra chứ không thể để vĩnh viễn.

Khá nhiều thẩm mỹ viện cam đoan với khách hàng (dựa theo cam kết của các nhà sản xuất sản phẩm túi gel) là “bảo hành suốt đời”. Nhưng theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), không hề có tính vĩnh viễn trong việc đặt túi ngực và hơn một nửa phụ nữ phẫu thuật ngực sẽ phải lấy túi silicon ra trong vòng 10 - 15 năm sau.

Sống dở, chết dở

Dù chuyện đã qua gần một năm, nhưng chị Hường, chủ một hiệu may lớn tại Hà Nội, vẫn cảm thấy khủng khiếp khi nhắc lại việc mình đã “sống dở chết dở” với bộ ngực được nâng cấp. Sau khi sinh con thứ hai, vòng một của chị xuống cấp thảm hại, nhăn nheo và teo nhỏ hẳn. Nghe lời khuyên của bạn bè, chị tìm đến một thẩm mỹ viện, quyết định nâng ngực bằng túi nước muối sinh lý có giá trọn gói là 1.800 USD.

Niềm vui vì có vòng một nảy nở, quyến rũ chưa được bao lâu thì chị Hường phát hiện một bên ngực xẹp hẳn xuống, người chị sốt đùng đùng và đau nhức khắp vùng ngực. Vội vàng quay trở lại thẩm mỹ viện trên để khám, chị được bác sĩ cho biết nguyên nhân có thể do chị không tuân thủ đúng cách “bảo quản” nên túi ngực đã bị rò, vỡ và phải phẫu thuật lại.

Túi ngực có thể rò rỉ gây biến chứng.

Choáng váng vì kết quả trên, chị Hường yêu cầu thẩm mỹ viện phải “đền” vì chị rất giữ gìn bộ ngực giả của mình, thậm chí khi sinh hoạt vợ chồng còn yêu cầu chồng mình “cấm sờ vào hiện vật”. Yêu cầu này không được giải quyết và chị phải phẫu thuật để tháo nốt túi độn ngực còn lại.

“Đẹp thì có đẹp nhưng hậu quả thì mệt mỏi vô cùng. Có cô bạn của tôi còn bị silicon trong túi vỡ ra, chạy khắp nơi, sống dở chết dở. Thôi thì chừa hẳn luôn việc nâng với độn”, chị Hường chua chát nói.

Muốn đẹp, chắc chắn phải đau

Các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ đều cho biết, phẫu thuật nâng ngực thuộc loại đại phẫu, thường khoảng một tuần mới cắt chỉ với thời gian đau đớn kéo dài từ vài ba tháng đến nửa năm và rất dễ để lại sẹo xấu.

Người nâng ngực sẽ phải chịu những cơn co thắt khi cơ thể phản ứng với vật thể lạ (túi độn)

Người nâng ngực sẽ phải chịu những cơn co thắt khi cơ thể phản ứng với vật thể lạ (túi độn). Các tài liệu ngành thẩm mỹ cũng xác nhận, phản ứng này có thể xảy ra sớm là vài tuần, muộn là vài năm với tỷ lệ 5% - 10%. Ngoài ra, bạn có thể gặp các vấn đề khác như túi bị vỡ, nhăn da, vú không cân xứng, hiện tượng “núi đôi đi lạc” (túi ngực chạy khỏi khu vực ấn định, khiến núm vú bị lệch), đau nhức, nhiễm trùng..

Điều đặc biệt đáng lưu ý là với kỹ thuật viên giỏi, người phẫu thuật ngực có thể mang thai sinh con sau khoảng một năm. Tuy nhiên, thực tế nhiều cơ sở thẩm mỹ không nhận phẫu thuật cho chị em có ý định tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ vì khả năng vết mổ làm xoang sữa không thể phục hồi là rất cao.

Hàng chục nghìn phụ nữ trên khắp thế giới được khuyến cáo dỡ bỏ túi nâng ngực do công ty PIP của Pháp sản xuất vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Sự hoảng loạn liên quan đến túi cấy ngực PIP tiếp tục lan rộng khi Hà Lan hôm 27/12 xác nhận khoảng 1.000 phụ nữ đã sử dụng sản phẩm làm từ silicone công nghiệp này nhưng với tên gọi khác. Một công ty của Hà Lan đã mua sản phẩm của công ty Poly Implant Prothese (Pháp) và bán lại dưới tên gọi mới "M-implant".

Giới chức Mỹ cho biết, năm 2000 họ đã khuyến cáo nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe khi cấy ghép túi ngực PIP nhưng không ai quan tâm. Giới chức y tế Israel cũng lập đường dây nóng tư vấn về túi PIP sau khi nhận hơn 1.000 cú điện thoại từ những phụ nữ cấy ghép ngực, đồng thời ban hành lệnh cấm sử dụng túi PIP.

Theo Đất Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại