Thời tiết giao mùa khiến nhiều người chán ăn, thức ăn thừa để tiết kiệm, ta thường cho vào tủ lạnh để dùng bữa sau. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý, quá trình biến chất của thực phẩm diễn ra rất nhanh. Nếu sử dụng thực phẩm đã biến chất tất sẽ bị rối loạn tiêu hóa, do đó, bảo quản thức ăn thừa là điều quan trọng, chuyên gia khuyên bạn không nên bảo quản đồ ăn thừa lâu quá 5 tiếng.
Những ngày tiết trời nóng, độ ẩm lớn, vi khuẩn có điều kiện để sinh trưởng mạnh, trong khi đó với thời tiết này sức đề kháng con người lại khá thấp, rất dễ bị ngộ độc từ vi khuẩn có trong thực phẩm. Chẳng hạn, từ 6 tiếng trở lên, vi khuẩn trong hạt cơm sẽ sản sinh một loại độc tố đường ruột, nếu ăn cơm nguội thừa đã chứa loại khuẩn Bacillus cereus đó sẽ bị các triệu chứng ngộ độc như đau đầu, buồn nôn.
Thức ăn không nên để qua đêm, do thời gian để đồ ăn thừa càng lâu thì càng dễ bị vi khuẩn “tấn công”. Nhiều người cho rằng, cất thực phẩm vào tủ lạnh là phương pháp tối ưu, nhưng thực chất rất nhiều mầm bệnh vẫn có thể sinh sôi trong nhiệt độ từ 4-6 độ C. Hơn nữa trong các loại rau xanh đều bao gồm nitrate, bản thân nitrate không độc, nhưng rau xanh trải qua quá trình thu hoạch, lưu trữ, chế biến, nitrate sẽ biến chất thành nitrite có độc. Rau nấu thừa có muối sau một đêm, hàm lượng nitrite sẽ tăng cao. Nếu đem rau nấu thừa đun nóng rồi ăn lại, nitrite sau khi đun nóng, độc tố càng mạnh, dễ gây tổn thương gan cho người sử dụng. Do vậy, cách tốt nhất là bỏ đồ ăn thừa hoặc sử dụng lại khi chưa quá 5 tiếng. Nếu sau khi ăn thấy khó chịu, bạn nên đến viện kiểm tra, không nên tự “đối phó” tại nhà.
Theo ANTĐ