Cách nào để hạn chế bệnh tai mũi họng do thời tiết

lananh |

Thời tiết và viêm mũi họng là hai yếu tố luôn song hành.

Qua nghiên cứu người ta nhận thấy, tỷ lệ viêm mũi họng khi thời tiết thay đổi có thể tăng gấp 4-5 lần, thời gian bị bệnh cũng kéo dài hơn, bệnhhay tái phát. Vậy yếu tố nào làm cho bệnh viêm mũi họng tăng nhiều đến như vậy.

Khi cửa ngõ cơ thể bị xâm phạm

Khi không khí chuyển lạnh đột ngột, độ ẩm tăng cao làm cho lớp thảm nhầy trong hốc mũi và họng trở nên đặc và quánh hơn, lúc này lớp lông chuyển của mũi họng vận động khó khăn dẫn đến khả năng làm sạch, làm ấm, làm ẩm không khí của mũi họng giảm, do đó mũi họng dễ bị viêm hơn.

Biểu hiện sớm của viêm mũi họng là cảm giác khô, rát mũi, họng. Người bệnh thường xuyên muốn uống nước. Lúc này, rỉ mũi trở nên nhiều và bám chặt vào mũi làm khó lấy.

Tiếng thở của người bệnh to hơn bình thường - đây là dấu hiệu để phát hiện sớm trẻ bị viêm mũi họng, nếu điều trị ngay ở giai đoạn này sẽ tránh được việc sử dụng kháng sinh cho trẻ. Đôi khi xuất hiện chảy máu ở một hay hai bên mũi, máu đỏ tươi hoặc dịch mũi có màu hồng lẫn dịch mũi, rỉ mũi có màu đen. Bệnh nhân hay khịt khạc và ho húng hắng nhưng không có đờm.

Mặt khác khi lớp thảm nhầy bị đóng quánh, độ pH của dịch mũi họng chuyển dần từ môi trường kiềm nhẹ sang môi trường acid - thuận lợi cho các vi khuẩn tồn tại tại chỗ có điều kiện phát triển và gây bệnh.

Trong đó các nguyên nhân do virut chiếm 60-80% các trường hợp gây bệnh, các trường hợp do virut có thể tự khỏi nếu cơ thể đủ sức đề kháng; Viêm mũi họng do vi khuẩn: thường gặp làphế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu bêta tan huyết nhóm A (chiếm khoảng 20%) - loại vi khuẩn gây biến chứng viêm thận, thấp tim, thấp khớp.

Ngoài ra còn gặp viêm họng do nấm: bình thường 70% dịch nuôi cấy từ mũi họng có sự tồn tại của nấm, nấm chỉ gây bệnh khi ở môi trường thuận lợi là acid hoặc sức đề kháng của cơ thể giảm sút do nhiễm virut, trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV)...

Nếu viêm mũi họng do vi khuẩn, dịch mũi có màu vàng xanh, ngày càng đặc dần. Biểu hiện hay gặp ở trẻ em là hiện tượng "thò lò mũi xanh". Sau vài ba ngày đến một tuần, nếu không điều trị kịp thời sẽ xuất hiện triệu chứng viêm mũi họng cấp như sốt, ngạt tắc mũi, ho có đờm vàng xanh... hoặc viêm tai giữa (trẻ quấy khóc, sốt cao, kêu đau tai thậm chí chảy mủ tai...).

Bảo vệ mũi họng hằng ngày để phòng bệnh

Để khắc phục tình trạng thay đổi của niêm mạc mũi họng khi thời tiết chuyển mùa, nhất là từ nóng sang lạnh, hằng ngày chúng ta nên nhỏ thêm nước muối sinh lý ấm vào mũi để trả lại độ nhớt cho lớp thảm nhầy. Không nên bơm rửa mũi nhiều hoặc xì mũi mạnh nhất là đối với trẻ em vì nếu thực hiện không đúng động tác này, vô tình có thể đưa vi khuẩn vào tai hoặc vào xoang, hoặc xuống phế quản... gây ra những biến chứng nặng nề từ viêm mũi họng.

Nếu dịch nhầy của mũi họng quánh và có màu vàng xanh cần đi khám để được hướng dẫn dùng thuốc thích hợp như điều trị nhỏ thuốc tại chỗ làm loãng dịch, các thuốc sát khuẩn, thuốc làm săn khô niêm mạc mũi, thuốc kháng viêm, kháng sinh tại mũi... nhưng phải duy trì sự điều chỉnh này cho đến khi niêm mạc mũi họng hoàn toàn trở về bình thường.

Trường hợp điều trị tại chỗ 2-3 ngày mà các triệu chứng nặng thêm như sốt, ho nhiều, đau nhức vùng mặt... phải kết hợp điều trị kháng sinh toàn thân thích hợp, kháng viêm, giảm nề. Cách phòng bệnh quan trọng nhất là giữ ấm mũi họng khi thời tiết thay đổi.

Theo ThS. Phạm Bích Đào

Sức khỏe & Đời sống

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại