Là phẫu thuật viên tim mạch 12 năm qua, ThS.BS Đinh Xuân Huy, Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Tim Hà Nội hằng ngày tiếp xúc và chữa trị cho nhiều bệnh nhân tim bẩm sinh. Trong số đó, cháu Lãnh Quang Huy, 11 tuổi, quê tại xóm Thua Tổng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng là bệnh nhân mà anh nhớ nhất.
Năm 2005, Huy 4 tuổi được gia đình đưa tới Bệnh viện Tim Hà Nội khám và phát hiện bị hạch khít dưới van động mạch chủ (ĐMC) và van ĐMC bị dị dạng bẩm sinh. Khi đó, cháu được một giáo sư người Pháp, cũng là người thầy của anh phẫu thuật cho. Vị giáo sư này đã cắt bỏ phần hẹp dưới van ĐMC, cháu bé quá không thể can thiệp được phần van ĐMC.
7 năm sau (tháng 7/2012), Huy được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong tình trạng suy tim độ 4, tim to bằng người trưởng thành, hẹp van 2 lá, chênh áp 125/70mmHg, nếu không mổ sẽ tử vong.
Thế nhưng, bệnh tình của cháu hết sức nan giải ở chỗ cháu còn quá nhỏ, van ĐMC không sửa chữa được, nếu phải bỏ thì có hai tình huống đặt ra: Sửa chữa hở van 2 lá và giải quyết hẹp van động mạch chủ. Hở van hai lá thì tại bệnh viện đã làm nhiều ca nên không khó khăn gì, nhưng hẹp van ĐMC bẩm sinh, cháu chưa đến tuổi thay và cũng "bói" không ra VĐMC thay thế (các van ĐMC của người trưởng thành nhỏ nhất cũng không vừa).
"Sau khi kết luận tình trạng của bệnh nhân, tôi vừa buồn vừa thương cháu tuổi còn quá nhỏ mà đã mang trọng bệnh. Tôi suy nghĩ rất nhiều vì nếu không mổ thì cháu sẽ chết, mà mổ rồi không có cái thay thì cháu cũng chết. Nếu bình thường có thể lấy van động mạch phổi (VĐMP) ghép sang van ĐMC, nhưng ở bệnh nhân này lại không thể thực hiện được, vì van ĐMP hở ba phần tư, suy tim phải độ 4, lại đã từng mổ 7 năm trước nên rất khó khăn", ThS.BS Đinh Xuân Huy chia sẻ.
Trước tình huống này, ThS.BS Đinh Xuân Huy vẫn quyết định mổ với một hy vọng mong manh là hở van ĐMC 2 cánh có thể sửa chữa được. Nhưng khi mở van ĐMC thì nó chỉ còn lại 2 cục xơ, không có khả năng sửa chữa.
Cháu Huy và mẹ hạnh phúc ngày ra viện.
Thay van ĐMC đối với trẻ nhỏ là lần đầu tiên ThS.BS Đinh Xuân Huy thực hiện từ ngày ra trường và nó cũng là ca thay thế lần đầu tiên do Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện. Cả kíp mổ ngày hôm ấy đã trải qua cuộc "vật lộn" kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ, từ 8h30 đến 18h để giành lại sự sống cho cháu Huy. Sau hơn 1 tháng nằm tại khoa hồi sức, cháu Huy đã được xuất viện.
Không có nổi một đồng mua cháo cho con
Chị Tô Thị Giang, mẹ của cháu Huy nghẹn ngào kể lại, nếu không gặp được ThS.BS Đinh Xuân Huy có lẽ gia đình chị đã mất cháu vĩnh viễn. Vì gia đình người dân tộc Tày, chỉ làm ruộng, lại thuộc diện hộ nghèo, cháu mổ lần này là lần thứ 3, khi ThS.BS Đinh Xuân Huy khám xong, anh bảo cháu rất nặng, nếu không mổ cháu có thể tử vong.
Nghĩ đến ca mổ lại mất mấy chục triệu đồng, mà không biết bệnh tình ra sao, vợ chồng chị làm sao có thể xoay sở nổi số tiền này nên đã định đưa cháu về. ThS.BS Đinh Xuân Huy thương hoàn cảnh của gia đình chị nên đã gọi lại bảo chị làm đơn trình bày hoàn cảnh để anh gửi lên lãnh đạo bệnh viện xin hỗ trợ, xin từ thiện của các nhà hảo tâm.
Vợ chồng chị Giang mừng mừng tủi tủi làm theo lời bác sĩ và kết quả là cháu đã được phẫu thuật miễn phí. Những ngày nằm viện, có những hôm nhà chị không còn một đồng nào trong người để mua cháo cho cháu, ThS.BS Đinh Xuân Huy lại dúi cho chị một triệu đồng bảo là của các bác sĩ cho. Hay lúc chị đưa cháu đi khám, khi quay về phòng bệnh lại thấy túi sữa.
"Cháu Huy được sống, được học hành nên người đều là nhờ công lao của ThS.BS Đinh Xuân Huy và tập thể y bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, đó là điều mà gia đình tôi không bao giờ quên", chị Giang tâm sự.