Bệnh viện “thấp thỏm” nỗi lo thiếu máu dịp Tết

Thu Lê |

(Soha.vn) - Vào thời điểm Tết, khả năng đáp ứng máu cho những cơ sở ưu tiên này cũng đang là bài toán nan giải của ngành y tế…

Thấp thỏm nỗi lo “đến hẹn lại lên”

Trao đổi với chung tôi, Ths. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Tình trạng khan hiếm và thiếu máu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ đến sớm hơn dự kiến. Tại thời điểm này, lượng máu đầu vào và đầu ra đã bắt đầu có sự chệnh lệch nhau rất lớn do không có người hiến máu. Trong khi đó nhu cầu máu của các bệnh viện, cơ sở y tế mỗi ngày một tăng trong dịp cận Tết. Do đó, nguy cơ thiếu máu điều trị trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ rất trầm trọng…”

Theo Ths. Phạm Tuấn Dương, tình trạng thiếu máu diễn ra quanh năm nhưng lại có những thời điểm thiếu trầm trọng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh ở các cơ sở y tế.

Năm 2012, riêng ở khu vực Hà Nội, nhu cầu sử dụng máu chung của tất cả các bệnh viện là 190.000 đơn vị máu, trong khi đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận và đáp ứng được 158.000 đơn vị máu. Khoảng cách giữa nhu cầu sử dụng và đầu vào của máu khá lớn. Khoảng cách chênh lệch này được bù lấp bằng vận động hiến máu người nhà bệnh nhân, hiến máu chuyên nghiệp.

Đến hẹn lại lên, dịp nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới các bệnh viện lại phải đương đầu với tình khan hiếm máu điều trị (Ảnh Thu Lê)

“Tháng 4, 5 và 6 của năm 2012 lượng máu rất nhiều, có những thời điểm máu trong ngân hàng quá hạn sử dụng. Có những tháng máu lại vô cùng khan hiếm như tháng 7, 8 và 9 và dịp cận Tết. Theo dự đoán của chúng tôi, trong tháng 2 và tháng 3 tới máu sẽ vô cùng ít, không thể đáp ứng đủ nhu cầu máu cho các cơ sở y tế trên cả nước đặc biệt là những cơ sở y tế ngoại khoa, hồi sức cấp cứu, sản,…” Ths. Phạm Tuấn Dương nói.

Lí giải hiện tượng khan hiếm máu trong dịp Tết Nguyên Đán, ông Dương cho hay: “Đối tượng hiến máu chủ yếu là học sinh, sinh viên. Thời gian này đang là kì nghỉ Tết của học sinh, sinh viên, khiến lượng máu đầu vào khan hiếm do không có người hiến máu.

Máu là một loại hàng hóa đặc biệt, không thể lưu chuyển vì mục đích thương mại như các loại hàng hóa thông thường. Máu rất quý và cũng ẩn chứa nhiều dịch bệnh. Do đó, chưa có một đất nước nào cho thương mại hóa máu…”

Ngoại, hồi sức cấp cứu, sản “thấp thỏm”

Cũng theo ông Dương, người bệnh có thể ốm ở bất cứ thời điểm nào. Những bệnh cần đến máu xuất hiện quanh năm như: Tai nạn giao thông, phẫu thuật, tai biến sản khoa, bệnh nhân thiếu máu mãn tính,… Nhu cầu sử dung máu ổn định ở tất cả các thời điểm. Tuy nhiên, Tết có sự gia tăng đột biến do lượng bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông lớn.

Trong khi đó, khả năng đáp ứng máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ luôn luôn là tiệm cận, gần sát với nhu cầu sử dụng thực chứ chưa bao giờ đáp ứng được 100%.

Cách khắc phục tối ưu duy nhất ở những thời điểm khan hiếm về máu là sử dụng máu ưu tiên và chọn lọc. 

Ths. Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Ảnh Thu Lê)

“Trong dịp Tết, máu sẽ được cấp ưu tiên cho bệnh nhân mổ, ghép, tai nạn, tai biến,… và những cơ sở ngoại khoa, hồi sức cấp cứu, sản khoa, chấn thương chỉnh hình như: Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương,… Những cơ sở này, máu phải được đáp ứng 100% theo yêu cầu, gọi lúc nào phải có máu lúc đó…”, Ths. Phạm Tuấn Dương cho biết.

Bên cạnh giải pháp cấp máu ưu tiên, trong cùng một sơ sở y tế cũng có sự ưu tiên riêng về sử dụng máu. Các khoa ung bướu, khoa máu, khoa tiêu hóa,…  bệnh nhân bắt buộc phải chờ máu. Chính vì thế, áp lực về máu trở nên nặng nề, khó khăn nhất với những bệnh nhân thiếu máu mãn tính, bệnh nhân ung thư phải điều trị.

Theo đó, gánh nặng về máu đổ đầu các bệnh viện như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương,… và Viện Huyết học.

Thiếu máu khiến các bệnh nhân phải chờ máu gây nên tình trạng quá tải bệnh viện ảo (Ảnh Thu Lê)

Thiếu máu dịp Tết cấp tính hơn, đột suất hơn và ngặt nghèo hơn

Ths. Phạm Tuấn Dương nhấn mạnh: “Trong dịp Tết sắp tới, ở tất cả các cơ sở ngoại khoa đều tăng về nhu cầu sử dụng sử dụng máu. Điển hình như Việt Đức, Bạch Mai. Trong dịp Tết cũng có sự thay đổi về cơ cấu bệnh nhân. Số bệnh nhân phẫu thuật, ghép theo kế hoạch sẽ giảm. Số bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, tai biến rượu, chất kích thích,… sẽ gia tăng đột biến. Đối với các bệnh viện ngoại khoa, lúc nào cũng cần máu. Nhu cầu cấp tính hơn, đột suất hơn, ngặt nghèo hơn…”

Trước khi nghỉ tết, các bệnh viện nhất là các bộ phận ngoại khoa, sản, hồi sức cấp cứu,… đều phải chuẩn bị rất kĩ lưỡng về máu dự trữ vì thời điểm nghỉ Tết chỉ có phát ra chứ không thu máu về được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại