Bệnh quai bị, thủy đậu vào mùa nhưng chưa thành dịch

Thu Lê |

(Soha.vn) - Bệnh quai bị, thủy đậu ở trẻ em đang hoành hành nhưng chưa phát triển thành dịch.

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết: “Thời điểm này tại miền Bắc đang là thời điểm nở rộ của bệnh quai bị, bệnh thủy đậu trong trẻ nhỏ. Hiện tại, số bệnh nhi đến viện khám và điều trị thủy đậu, quai bị có tăng so với các thời điểm khác trong năm nhưng chưa nhiều để phát triển thành dịch. Hầu hết các bệnh nhân đến khám và được điều trị ngoại trú, một số trường hợp nặng đã biến chứng mới phải nằm lại điều trị tại viện.

Sau Tết, số bệnh nhi nhập viện vì ngộ độc thực phẩm cũng tăng đột biến. Tháng 3, tháng 4 là thời điểm bắt đầu và nở rộ của bệnh TCM và sốt xuất huyết trong trẻ nhỏ…”

PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) 

Cũng theo bác sĩ Bùi Vũ Huy, bệnh thủy đậu và bệnh quai bị có chung cơ chế lây bệnh, lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan từ người này qua người khác đặc biệt là trong trẻ nhỏ. Thời gian nhiễm virus là 14 ngày, thời gian ủ bệnh, phát bệnh là 7 ngày và thời gian điều trị là 7 ngày.

Thủy đậu có căn nguyên từ virus thủy đậu có tên khoa học là varicella-zoster. Bệnh quai bị có nguyên nhân từ virus quai bị có tên khoa học là Mumpsvirus thuộc họ Paramyxovirus .

Bệnh thủy đậu và bệnh quai bị là hai loại bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở lứa tuổi học đường, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên.

“Biểu hiện để nhận biết bệnh sớm là bệnh nhân có hay không sống trong vùng dịch bệnh, có người đã bị bệnh. Với thủy đậu, bệnh nhân có biểu hiện sốt, phát ban trên da thường là những nốt bỏng nước. Với bệnh quai bị, bệnh nhân ngoài sốt  còn có biểu hiện sưng góc hàm một bên hoặc hai bên, sưng nóng, sưng không nóng, đỏ và rất đau…,” bác sĩ Huy nói. 

Sau Tết, bệnh thủy đậu, quai bị ở trẻ đang vào mùa nhưng chưa phát triển thành dịch

Sự ẩm thấp, chật chội của môi trường sống, vào mùa đông, mùa xuân với diễn biến thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao chính là điều kiện để virus thủy đậu và virus quai bị xâm nhập vào cơ thể con người nhất là trẻ nhỏ.

Bác sĩ Huy cũng cho biết, 90% trẻ nhỏ dưới 9 tuổi mắc bệnh thủy đậu, quai bị, thanh thiếu niên, người lớn chỉ chiếm 10%. Thông thường những người đã mắc bệnh thủy đậu và quai bị có thể miễn dịch, không mắc lại lần hai. Tuy nhiên với những người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân nhiễm HIV thì sẽ nhiễm lại thủy đậu nhưng ở thể giời leo.

“Thủy đậu về căn bản là lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất dễ để lại những di chứng như: sẹo, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm não,… Do đó, bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để tránh những tai biến đáng tiếc…

Cần chủ động tiêm phòng vắc xin, tạo sự sạch sẽ, thoáng mát trong môi trường sống, vệ sinh nhà cửa định kỳ đặc biệt trong thời điểm có dịch bệnh cần thường xuyên hơn. Khi trẻ nhỏ bị nhiễm thủy đậu hoặc quai bị cần cách ly trẻ ở nhà không cho đến lớp để tránh lây lan sang các trẻ khác…” PGS. TS Bùi Vũ Huy nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại