“Bảo hiểm trách nhiệm” trong ngành y

lananh |

Trung bình mỗi năm Việt Nam có hàng trăm tai biến y khoa, nhẹ thì thương tật, nặng thì tử vong.

Cách giải quyết thường thấy là bệnh nhân và người nhà... làm ầm ĩ, rồi bệnh viện đền bù. Nhưng phần thiệt thòi thường nghiêng về bệnh nhân vì không có bên thứ ba đánh giá thiệt hại. Ngày 14/11, Thủ tướng đã ký ban hành quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh. Lần đầu tiên, vấn đề bảo hiểm cho một nghề nhiều rủi ro như nghề y có quy định rõ ràng.

Rủi ro y khoa: bệnh nhân chịu thiệt

Bị chẩn đoán u mỡ khi đang là học viên ngành công an nhân dân, Chu Lâm Tới (Diễn Châu, Nghệ An) được bác sĩ một bệnh viện của ngành công an tiên lượng sau phẫu thuật sẽ hết cảm giác tê mỏi chân tay. Tuy nhiên, không ngờ sau ca phẫu thuật định mệnh, đôi chân đang lành lặn của chàng thanh niên 20 tuổi đột nhiên liệt hoàn toàn, không cử động, rồi dần dần không còn cảm giác.

Ban lãnh đạo bệnh viện hứa sẽ giải quyết thỏa đáng cho người bệnh, sẵn sàng trả mọi khoản viện phí khi bệnh nhân chuyển sang bệnh viện khác điều trị.

Song thực tế, Tới được chuyển về bệnh viện huyện và chỉ được trả tiền thuốc (theo đơn) trong năm đầu tiên, chừng 8 triệu đồng, theo chính sách dành cho học viên an ninh nhân dân. Sau đó, Tới bị cắt chế độ và không được hưởng bất cứ khoản trợ cấp nào.

Một năm sau, bệnh viện lại hứa sẽ trả một khoản gọi là “bồi thường” sai sót, để bố con Tới đừng lặn lội ra Hà Nội nữa, vì bệnh nhân nào nhập viện biết chuyện của Tới cũng hốt hoảng xin về, không dám điều trị tiếp.

“Vấn đề không phải là tiền mà là thái độ của người thầy thuốc. Sau ca mổ, bao nhiêu lần gặp nhau ngoài hành lang bệnh viện, muốn hỏi tình hình bệnh tật của cháu mà bác sĩ cứ giả lơ như không thấy, tôi không cầm lòng được”, bố Tới nói.

Nhưng không phải gia đình nào cũng kiên trì đòi bồi thường bằng được như gia đình Tới. Lặn lội ra vào Nghệ An - Hà Nội dăm lần bảy lượt, cuối cùng ban giám đốc bệnh viện đã họp và quyết định bồi thường 100 triệu đồng cho Tới.

Giảm đối đầu bằng “bảo hiểm trách nhiệm”

Hiện Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) là một trong số rất hiếm hoi bệnh viện đã mua bảo hiểm trách nhiệm chuyên môn. Theo một lãnh đạo bệnh viện, VN chưa có loại hình bảo hiểm này và Bệnh viện Việt Pháp phải đặt mua tại văn phòng đại diện của một công ty bảo hiểm nước ngoài.

“Ở nước ngoài, nghề nghiệp gì cũng cần bảo hiểm. Theo tôi, cái lợi của bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh là giảm đối đầu giữa bệnh viện - bệnh nhân. Bác sĩ có thể làm hết sức mình để chữa trị cho người bệnh, nếu xảy ra tai biến sẽ có bên thứ ba là công ty bảo hiểm thực hiện giám định và chi trả đền bù” - đại diện Bệnh viện Việt Pháp cho hay.

Theo hướng dẫn trong nghị định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh vừa được ban hành, kể từ ngày 1-1-2012, các bệnh viện bắt đầu triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm cho thầy thuốc về các tai biến, rủi ro trong khám chữa bệnh do lỗi của người hành nghề. Chậm nhất là đến năm 2015, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh có mô hình là bệnh viện hoàn tất mua loại bảo hiểm này. Các loại hình cơ sở khám chữa bệnh còn lại, chậm nhất là năm 2017 phải hoàn tất mua bảo hiểm trách nhiệm cho người hành nghề.

Có quy định, nhưng thời gian để hoàn tất triển khai quy định này còn rất dài. Một trong những lý do mà những người soạn thảo tính đến là khả năng cân đối chi tiêu của bệnh viện công đang rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bảo hiểm trách nhiệm là bắt buộc và bệnh viện sẽ phải nghiên cứu kỹ về mệnh giá, lợi ích..., có bảo hiểm là đỡ lo ngại trách nhiệm, nhưng với bệnh viện công hiện giờ, cái khó nhất là cân đối thu chi.

Theo Ngọc Hà, Lan Anh

Tuổi Trẻ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại