Bàn chân phụ nữ dài ra khi mang thai

Minh Vy |

(Soha.vn) - Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu tại Đại học Iowa (Mỹ) sau khi tiến hành đo chiều dài bàn chân của 49 phụ nữ khi họ đang mang thai và sau khi sinh được 5 tháng.

Trong đó, 29 người lần đầu làm mẹ, 17 người mang thai lần 2 và 3 người lần thứ 3 làm mẹ.

Kết quả thu được cho thấy trung bình chiều dài bàn chân của họ tăng từ 2-10 mm. Nhìn chung, khoảng 60-70% phụ nữ tham gia nghiên cứu có bàn chân dài hơn sau khi sinh con, 11 người trong số họ đã phải đổi cỡ giày.

Một số nghiên cứu trước đây cũng đã ghi nhận sự thay đổi của kích cỡ bàn chân trong quá trình mang thai, tuy nhiên, sự thay đổi kích cỡ bàn chân sau khi sinh nở vẫn chưa từng được khảo sát.

Ảnh minh họa.

Trong nghiên cứu trước đó, Neil Segal, phó giáo sư khoa phẫu thuật chỉnh hình và hồi phục chức năng tại Đại học Iowa đã khảo sát 110 phụ nữ tại một trung tâm mua sắm để xem họ đã từng thay đổi cỡ giày kể từ khi trưởng thành hay chưa.

Theo kết quả, chỉ có 13% phụ nữ chưa từng mang thai cho biết họ từng đổi cỡ giày, trong khi đó, ở những phụ nữ đã từng mang thai ít nhất 1 lần, có tới 30-60% trong số họ thừa nhận đã từng đổi cỡ giày.

Theo nhóm nghiên cứu, sự thay đổi kích cỡ bàn chân có thể là do mức cân nặng thừa mà người phụ nữ phải mang trong quá trình mang thai. Khối cân nặng này tạo ra áp lực lớn lên bàn chân, làm lòng bàn chân dẹt hơn. Ngoài ra, cơ thể phụ nữ mang thai sản sinh một số loại hormone làm lỏng các cơ và dây chằng (các mô kết nối các khối xương), khiến cấu trúc bàn chân trở nên dẻo hơn.

Phần lớn phụ nữ tham gia nghiên cứu đều từng xuất hiện sự thay đổi độ dài bàn chân và độ cao lòng bàn chân đều lần đầu tiên làm mẹ. Những phụ nữ từng sinh 2-3 con trở lên không trải nghiệm sự thay đổi này.

Điều này cho thấy quá trình mang thai lần đầu tiên của phụ nữ có thể mang lại ảnh hưởng lớn tới kích cỡ bàn chân của họ. Sự thay đổi kích cỡ bàn chân trong quá trình mang thai giúp lý giải tại sao nguyên cơ đau hoặc viêm khớp bàn chân, đầu gối, hông, xương sống ở phụ nữ lại cao hơn đàn ông. Bàn chân dẹt hơn có thể tạo nhiều áp lực lên dây các dây chằng ở lòng bàn chân, dẫn tới những thay đổi ở dáng đi, từ đó tạo nhiều áp lực lên đầu gối.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại