"Cứ thấy ca nào "đứt rời" là tôi lại "xông" vào mổ, kể cả trước đó vừa rời khỏi phòng mổ chỉ một phút bởi lẽ, các ca bệnh này luôn đòi hỏi sự khẩn cấp" - PGS.TS Lê Văn Đoàn chia sẻ. Thời gian đứt rời càng lâu, phần chi thể đứt rời càng bị thiếu máu, các tế bào không được nuôi dưỡng sẽ chết. Thời gian càng được rút ngắn bao nhiêu thì khả năng phục hồi sau phẫu thuật càng lớn. Có những bệnh nhân quê ở tận Thanh Hóa, Nghệ An... đến được bệnh viện đã mất cả 10 tiếng, chỉ cần các bác sĩ chần chừ thêm 2 - 3 tiếng nữa là đã có thể không cứu được.
Nhiều trường hợp phần chi thể đứt rời bị nghiến dập nát toàn bộ không thể nối, nhưng bệnh nhân và gia đình vẫn không dễ chấp nhận, họ đi cả quãng đường dài đến bệnh viện để rồi chỉ nhận được cái lắc đầu bất đắc dĩ của bác sĩ.
PGS.TS Lê Văn Đoàn chia sẻ, phần đứt rời phải tương đối lành lặn, trước khi phẫu thuật bác sĩ sẽ cắt bỏ những chỗ dập nát, kiểm tra mạch máu, thần kinh, xương, da. Muốn chi thể cử động tốt, cảm giác tốt, phải nối cả dây thần kinh, kết xương chắc, gân, cơ phải liền, tóm lại là theo nguyên tắc "đứt cái gì nối cái ấy".
PGS.TS Đoàn kể về một bệnh nhân là dân xã hội đen. Vì mâu thuẫn làm ăn, bị đối phương chém hai nhát. Một nhát thấu xương khuỷu tay, còn nhát kia gây đứt rời bàn tay. Tuy thế, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất hung hăng, máu chiến, luôn miệng chửi rủa. Đi cùng anh ta còn có vài chiến hữu cũng sặc mùi dao, kiếm, lớn tiếng đòi bác sĩ phải ưu tiên, khẩn cấp. Nhưng khi được giải thích đã "đứt rời" là phẫu thuật ngay và yêu cầu tất cả rút lui để anh chuẩn bị ca phẫu thuật thì bọn họ lập tức trở nên ngoan ngoãn, dễ bảo. Ngay cả bệnh nhân kia, lúc đầu còn hung hăng nhưng đến khi nằm lên bàn mổ cũng "nhũn như chi chi", luôn miệng đòi bác sĩ phải tiêm tê, gây mê vì... "sợ đau quá em không chịu nổi".
Bàn tay và khuỷu tay sau khi được phẫu thuật ghép nối.
Cánh tay đứt rời của cô diễn viên múa
PGS.TS Lê Văn Đoàn tự hài hước về cái nghề "xẻo má vá mông" của mình thật đơn giản. Thế nhưng, đừng nghĩ cứ "cắt ra đắp vào" là xong chuyện, nếu không căn đúng chỗ có mạch máu nuôi thì nối cũng như không bởi chi thể đó hoàn toàn mất chức năng vận động, cảm giác.
Bệnh nhân của anh có trường hợp là một đứa trẻ mới 8 tuổi, quê ở Nghệ An, bị bạn vô tình chém đứt rời bàn tay. Nguyên do là hai đứa trẻ rủ nhau ra đồng chơi bắt ngóe. Một thằng cầm con ngóe tung lên, còn thằng kia dùng dao chém, không may nhát dao lia đúng ngang bàn tay bạn. Trò nghịch dại sẽ thành nỗi ám ảnh, thậm chí hận thù nhau cả đời, nếu như bàn tay của đứa bạn không được nối lành lặn. PGS.TS Lê Văn Đoàn chia sẻ, điều khiến anh vui nhất là cháu bé sau khi phẫu thuật đã quay lại trường học, bàn tay phải cầm bút ngay ngắn dù ở đó có một vết sẹo nhỏ.
Lật qua trang hồ sơ khác, là trường hợp bệnh nhân Dương Ngọc Quyên, 22 tuổi ở Hà Nội. Cô gái này bị một vết chém đứt rời cánh tay. Phần tay bị đứt rời chưa lâu vẫn còn hồng hào, trắng ngần và đặc biệt là đẹp một cách tròn trịa. Cô gái ấy là sinh viên trường múa. Sau khi chia tay với bạn trai cũ, Quyên có người yêu khác.
Một lần, hai người đang chở nhau đi chơi thì người yêu cũ của Quyên bắt gặp và nổi cơn ghen. Quen thói côn đồ, anh ta bám theo với ý định chém tình địch. Không may đúng lúc anh ta ra tay thì Quyên ngồi sau lại giơ tay lên gãi đầu. Vô tình đỡ cho người yêu một nhát dao chí tử vào đỉnh đầu nhưng Quyên lại lĩnh trọn nhát chém thấu xương cẳng tay gây đứt rời. Cô gái thét lên kinh hoàng rồi ngất xỉu ngay lúc đó. Bạn trai và những người qua đường vội đưa cô vào bệnh viện cấpcứu. Trước mặt PGS.TS Lê Văn Đoàn, nam thanh niên lắp bắp khẩn cầu anh nối liền cánh tay cho bạn gái vì "cô ấy là diễn viên múa, cô ấy sẽ không thể sống nổi nếu mất đi cánh tay này...".