Trong đông y, khế được gọi là ngũ liễm, nghĩa là quả có năm múi. Trong dân gian hay truyền nhau câu đố:"Cái gì năm múi, tứ khe/ Cái gì nứt nẻ như đe lò rèn/ Quả khế năm múi tứ khe/ Quả na nứt nẻ như đe lò rèn".
Ở thôn quê, khế thường được trồng cuối vườn, trồng chơi và ăn cũng chơi. Mỗi khi nhà có việc, cần làm các món như rau sống, bóp gỏi, kho cá… khế mới được gọi tên. Bạn có biết tất cả các thành phần, từ lá, cành, hoa, quả khế đều có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Lá khế trị ngứa
Dùng cành, lá khế sắc đặc, tắm hàng ngày sẽ trị được các loại bệnh ngoài da như dị ứng, ngứa, ghẻ, lở loét bên ngoài.Ngoài ra, lá khế giúp nhổ lông vịt, ngan nhanh và sạch. Ở thôn quê người ta hay nấu lá khế với nước vôi trong, sau đó nhúng vịt, ngan vào rồi mới nhổ lông. Làm như thế vịt, ngan sẽ rất sạch, không còn lông măng.
Hoa khế chữa ho
Hoa khế phơi héo, sau đó mang tẩm nước gừng cho khô. Bỏ lọ dùng dần, mỗi lần dùng hãm với nước nóng như pha trà, uống liên tục trong nhiều ngày sẽ hết ho.
Quả khế chứa nhiều vitamin C
Ít ai biết rằng trong quả khế chứa nhiều vitamin C và các sinh tố vitamin khác. Trung bình mỗi ngày ăn một quả khế có thể đủ lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.
Quả khế có nhiều chất xơ, nên có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón, chữa trĩ. Nước ép khế ngọt được xem là một vị thuốc giảm sốt hiệu quả.
Khế muốn để dành dùng dần có thể cắt lát mỏng, nhúng nước muối rồi phơi khô mà không sợ mốc.
Ngoài ra khế tươi còn được dùng làm gia vị chế biến món ăn như kho cá, làm các món gỏi…
Hột khế lợi sữa
Những người phụ nữ thôn quê hay cẩn thận giữ lại hạt khế để phòng khi sinh ít sữa có thể giã nát hạt khế, sắc uống, sữa sẽ ra nhiều.
Theo Phụ nữ online