Coi chừng tê cứng và hạ thân nhiệt
Phơi nhiễm với khí lạnh trong một thời gian dài có thể gây hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể xuống thấp hơn 35 độ C).
Triệu chứng khi bị hạ thân nhiệt bao gồm đầu óc không tỉnh táo, cử động khó, rùng mình, kiệt sức, giảm trí nhớ, ngủ lơ mơ, tay vụng về, nói ú ớ, đau ở tứ chi, mạch đập chậm và yếu, thậm chí bất tỉnh.
Người bị tê cóng rất dễ bị hạ thân nhiệt. Triệu chứng phổ biến của bệnh tê cóng là mất cảm giác, da tím tái, vùng da bị tê cứng có thể cứng lại và gây đau. Vùng trên cơ thể dễ bị tê cóng nhất khi tiếp xúc với không khí lạnh là mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân khi tiếp xúc với không khí lạnh.
Mặc nhiều lớp
Bạn nên mặc nhiều lớp áo để có thể cởi bỏ dễ dàng nếu thấy nóng. Nên chọn các loại vải nhẹ, thông thoáng để cử động của cơ thể không bị giới hạn.
Số lớp áo phụ thuộc vào cường độ, hình thức vận động mà bạn tham gia, cũng như nhiệt độ cụ thể trong ngày tập luyện.
Nên mặc một chiếc áo gió bên ngoài cùng bởi chúng không thấm nước nên sẽ giúp giữ cơ thể khô ráo khi trời mưa.
Giữ ấm đầu và tay, chân
Vào mùa đông, cơ thể chuyển hướng tuần hoàn của máu. Theo Mayo Clinic, lúc này, máu tập trung lưu thông tới vùng trung tâm của cơ thể, bởi vậy, bàn chân và bàn tay dễ bị tê cứng nhất.
Bạn nên đeo găng tay hoặc kín hoặc hở ngón khi tập luyện trong thời tiết lạnh hoặc mang theo túi sưởi để làm ấm bàn tay.
Ngoài ra, khi nhiệt độ giảm mạnh, một lượng lớn nhiệt của cơ thể sẽ mất đi nếu bạn để đầu mình bị lạnh. Vi thế, bạn nên đội mũ để giúp cơ thể duy trì thân nhiệt.
Bên cạnh đó, nên chú ý giữ ấm tai, mũi và miệng bằng cách đội mũ len che tai, quàng khăn và đeo khẩu trang.
Đừng mặc quá ấm
Theo Trung tâm y tế Đại học Rochester (Mỹ), tình trạng quá nóng vẫn có thể xảy ra với cơ thể vào mùa đông. Nếu bạn đang mặc nhiều lớp áo dày, hãy cởi chúng ra nếu thấy cần thiết.
Mặc quá ấm có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn. Mồ hôi bám vào quần áo kết hợp với gió lạnh sẽ tạo cảm giác lạnh hơn. Ngoài ra, mặc áo ướt mồ hôi và ra ngoài gió lạnh còn dễ khiến bạn bị hạ thân nhiệt.
Uống nhiều nước
Thời tiết lạnh không có nghĩa là bạn có thể cắt giảm lượng nước cần thiết khi tập luyện. Theo Mayo Clinic, bạn vẫn có thể rơi vào tình trạng mất nước vào mùa đông.
Hãy uống nhiều nước trước khi ra vận động ngoài trời và nên mang theo nước dự trữ trong quá trình tập luyện. Bạn nên tránh các loại đồ uống có đường hoặc caffeine, chỉ nên mang nước lọc.
Xem dự báo thời tiết
Nếu như bạn có dự định hoạt động ngoài trời trong một thời gian dài, nhớ xem dự báo thời tiết trước. Như vậy, bạn có thể chuẩn bị trang phục phù hợp khi trời mưa, lạnh hoặc nắng ấm.
Nên nhớ rằng sẽ an toàn hơn vào mùa đông nếu bạn mặc ấm với nhiều lớp và có thể cởi bớt chúng ra khi thấy nóng.
Mặc đồ sáng màu
Ánh sáng mặt trời vào mùa đông thường yếu hơn, bởi vậy, bạn nên mặc những trang phục có màu sáng hoặc phản chiếu để những người lái xe có thể dễ dàng quan sát thấy bạn trong bóng tối. Bạn cũng nên áp dụng lời khuyên này khi ra ngoài trời vào buổi sáng sớm trong mùa đông.
Khi đi giày, bạn nên chọn loại giày có đế chắc, không bị trơn trượt, đủ ấm và đặc biệt là không thấm nước.
Bôi kem chống nắng
Không phải vì thời tiết lạnh, trời nhiều mây mà bạn có thể lười bôi kem tránh nắng. Theo cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), bạn nên sử dụng loại kem chống nắng có chỉ số SPF thấp nhất là 30 trước khi ra ngoài trời vào mùa đông.
Ngoài ra, bạn cần đeo kính râm để bảo vệ vùng da mỏng manh quanh mắt khỏi tác động có hại của ánh sáng mặt trời và gió rét. Nhớ bôi thêm son dưỡng ẩm để giữ cho đôi môi không bị nẻ, khô ráp.