Số liệu từ Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 10 tháng năm 2023 đang tốt lên, với mức tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia nhận định, chu kỳ sản xuất của thành phố đang vượt qua giai đoạn suy giảm, 2 tháng còn lại trong năm chắc chắn sẽ sôi động theo chu kỳ. Bởi đây là thời gian chạy nước rút chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết và hoàn thiện các đơn hàng quốc tế.
Là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, ngành chế biến thực phẩm đang có sự phục hồi mạnh mẽ khi các doanh nghiệp đều đang tăng công suất sản xuất để phục vụ đơn hàng cuối năm và Tết. Các doanh nghiệp cũng đang tích cực tìm kiếm đơn hàng cho năm sau.
Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh vừa nâng công suất nhà máy lên 90% và có thể lấp đầy công suất vào tháng sau khi đơn hàng về thêm.
"Đối tác xuất khẩu như châu Âu và Mỹ, tín hiệu cũng đang khởi sắc dần, sau 2 - 3 quý ảm đạm đầu năm. Mọi thứ đang dần ổn hơn", ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, cho biết.
Ngành chế biến thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh đang có sự phục hồi mạnh mẽ. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, một số doanh nghiệp trong ngành còn nhận được đơn hàng xuất khẩu tới hết quý I năm sau do khách hàng ở các thị trường truyền thống đã giải tỏa tồn kho.
"Tín hiệu phục hồi về hàng xuất khẩu đối với ngành chế biến lương thực thực phẩm đang có và tăng từng ngày. Sức mua trong các tháng cuối năm tăng cao nên chỉ số phát triển của ngành chế biến lương thực thực phẩm chắc chắn sẽ tăng trưởng và đạt con số tăng trưởng dương", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Đơn hàng cũng tăng trở lại với các doanh nghiệp dệt may, da giày khiến công nhân lâu năm như chị Kiều (công nhân Công ty May mặc Dony) hay công nhân vừa được tuyển mới như chị Linh (công nhân Công ty CP Tập đoàn Gia Định) phấn khởi hơn cả. Bởi năm nay, nhà máy thông báo không phải nghỉ Tết sớm, công nhân còn được tăng ca, thu nhập cải thiện thêm vài triệu đồng mỗi tháng.
"Lương công nhân bình quân 13 - 14 - 15 triệu đồng. Công nhân nghe được tăng ca là thích lắm vì có thêm đồng tiền để mà trang trải cuộc sống", chị Bùi Thị Kiều, công nhân Công ty May mặc Dony, chia sẻ.
"Đơn hàng gấp vẫn được tăng ca, có thêm tiền. Trong thời điểm khó khăn này, em có công việc ổn định, có thu nhập nên cũng vui", chị Nguyễn Ngọc Thùy Linh, công nhân Công ty CP Tập đoàn Gia Định, cho hay.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, hơn 72% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và đang dần tốt lên. Doanh nghiệp cũng chủ động cơ cấu lại sản xuất, bố trí lao động, tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.
"Hoạt động của khối công nghiệp sản xuất có tín hiệu khá tốt. Đây cũng là định hướng mới cho kế hoạch kinh doanh của năm 2024, vì doanh nghiệp sản xuất đã trải qua 1 năm tái cấu trúc", ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
"Sức khỏe" ngành sản xuất đang phục hồi tích cực, do vậy cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kỳ vọng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố đang triển khai, có thể kéo dài tới hết năm sau. Thực tế cho thấy, các chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT…, đều là những "liều thuốc" kịp thời cho doanh nghiệp.