Hổ và sư tử là 2 loài vật có tiếng gầm đáng sợ và cực kỳ đặc trưng. Nhưng chẳng cần phải vào rừng mới cảm nhận được nỗi sợ ấy đâu. Bạn chỉ cần nghe... tiếng trẻ con khóc là đủ.
"Tiếng gầm rú của loài quyền lực nhất rừng xanh hóa ra rất giống với tiếng trẻ con khóc" - nhà khoa học Ingo Titze, Giám đốc Trung tâm Giọng nói và Tiếng nói Quốc gia Mỹ, cho biết.
"Xét trên một số phương diện, sư tử với hổ là bản sao lớn hơn của một đứa trẻ đang khóc. Ồn ào, to, chỉ là cao độ thấp hơn."
Theo Titze nhận định, tiếng gầm của hổ hay tiếng góc của trẻ thì đều là để thu hút sự chú ý. Một đứa trẻ khóc để người lớn nhìn đến bé. Còn hổ, chúng gầm lên là để cho những loài vật khác biết chúng đang xâm phạm lãnh thổ của một sinh vật đáng sợ.
"Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều nghe những âm thanh to, chát chúa đập vào tai người. Khi một đứa trẻ khóc, âm thanh đó không hề đáng yêu mà vô cùng khó chịu, do dao động âm không đều."
Trẻ con thì dễ thương thật, nhưng tiếng chúng khóc thì không
Những âm thanh to nhưng tần số thấp là do đặc tính mô gấp thanh quản. Đây vốn là các mô có khả năng kéo giãn và biến dạng. Nhưng ở cả trẻ con lẫn các loài họ mèo cỡ lớn, mô gấp thanh quản lại rất lỏng lẻo, dao động không đều.
Nó khiến âm thanh cả 2 phát ra nghe cực kỳ khó chịu. Sự khác biệt chỉ là trẻ khóc ở cao độ cao trong khi tiếng hổ gầm thì thấp hơn.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra một giả thuyết cần phải được kiểm chứng lại, đó là hổ kêu to chưa chắc đã vì thanh quản lớn.
"Trước kia, người ta cho rằng sư tử với hổ gầm lớn là nhờ mô gấp thanh quản khổng lồ. Nhưng dù đúng là chúng lớn, nhưng hình dạng và sức căng mới là thứ giúp âm thanh ấy to và trầm hơn" - đồng tác giả nghiên cứu Tobias Riede chia sẻ.
Những dao động này cũng làm cho âm thanh của hổ trở nên đáng sợ hơn. Theo một số thử nghiệm, tiếng gầm của hổ có thể đạt cường độ lên tới 114 decibel - cao gấp 25 lần máy cắt cỏ.
Vấn đề là cao độ của chúng ở tần số rất thấp, nên cần phải có dao động trong thanh quản mới có thể dọa được các sinh vật khác.
Tham khảo: Seeker