Sức ảnh hưởng nóng rẫy của TQ với nước chủ nhà APEC 2018: Xuống sân bay là thấy Trung Quốc

Thủy Thu |

Ngoài ra, quốc kỳ Trung Quốc được treo san sát, dọc hai bên tuyến đường chính ở Papua New Guinea - nước chủ nhà của kỳ APEC 2018.

Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 26 diễn ra từ ngày 12-18/11 tại Papua New Guinea. Hội nghị năm nay chào đón 21 trưởng đoàn và hàng nghìn đại diện đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Theo Guancha (Trung Quốc), đối với Papua New Guinea, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC 2018 là một sự kiện long trọng nhất kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1975.

"Là quốc gia chưa thực sự thu hút sự chú ý của thế giới, Papua New Guinea cần một hội nghị thượng đỉnh để thu hút sự chú ý của toàn cầu. Cựu quan chức cấp cao Australia Ian Kemish từng chỉ ra, "thượng đỉnh là cơ hội quảng bá tuyệt vời, Papua New Guinea cần đa dạng hóa nền kinh tế".

Thủ tướng nước này cũng công khai bày tỏ mong muốn thu hút đầu tư thông qua cơ hội này. Papua New Guinea có rất nhiều hoài bão, họ hy vọng thực hiện được những hoài bão này thông qua kỳ APEC. Ví dụ, "có tên" (nổi danh) trên bản đồ thế giới", Guancha viết.

Tuy nhiên, theo báo Trung Quốc do khủng hoảng giá dầu năm 2014, kinh tế Papua New Guinea đã chịu ảnh hưởng nặng nề và để đảm bảo kỳ APEC 2018 được tiến hành thuận lợi, nước này cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Sức ảnh hưởng nóng rẫy của TQ với nước chủ nhà APEC 2018: Xuống sân bay là thấy Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc hỗ trợ Papua New Guinea xây dựng các hạng mục phục vụ cho kỳ APEC 2018. Ảnh: Guancha

"Yếu tố Trung Quốc"

Theo đó, vào tháng 5 vừa qua, Đại sứ Trung Quốc tại Papua New Guinea Tiết Băng chia sẻ rằng, hai nước đã hợp tác tốt trong khuôn khổ APEC. Ví dụ, Trung Quốc hỗ trợ Papua New Guinea nâng cấp tái thiết trung tâm hội nghị quốc tế, tu sửa con đường cao tốc nối sân bay quốc tế Jacksons tới tòa nhà APEC v.v...

"Vì thế, chỉ cần đặt chân xuống sân bay quốc tế Jacksons thì ngay lập tức có thể cảm nhận được các yếu tố Trung Quốc", Guancha bình luận.

"Ra khỏi sân bay để tới tòa nhà APEC, chiếc xe ô tô sẽ lăn bánh trên tuyến đường cao tốc có chiều dài 9km. Dự án nâng cấp con đường này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc, do công ty CHEC (Trung Quốc) thi công cùng sự tham gia của 630 kỹ sư, công nhân Trung Quốc và bản địa... Tuyến đường mới xây đảm nhận chức năng giao thông quan trọng trong kỳ APEC", Guancha mô tả.

Hay một công trình khác phục vụ cho APEC là con đường mang tên "Đường Độc Lập" cũng do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng, kéo dài từ vùng ngoại ô Waigani tới tòa nhà hội nghị, với 6 làn xe cũng các thiết bị hỗ trợ giao thông hiện đại, đặc biệt cung đường này treo quốc kỳ Trung Quốc dọc hai bên đường.

Ngoài ra, Trung Quốc còn hỗ trợ Papua New Guinea Trung tâm hội nghị quốc tế phục vụ cho APEC. Nổi bật tại cửa chính trung tâm là những dòng chữ lớn màu đỏ "Trung tâm hội nghị quốc tế Papua New Guinea" và "Trung Quốc viện trợ" bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh.

Báo Trung Quốc cho biết, Papua New Guinea bày tỏ sự hoan nghênh nhiệt liệt trước các dự án viện trợ của Trung Quốc cũng như đưa ra phản ứng tích cực về sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh.

Sức ảnh hưởng nóng rẫy của TQ với nước chủ nhà APEC 2018: Xuống sân bay là thấy Trung Quốc - Ảnh 2.

Tiếng Trung xuất hiện trên băng rôn được treo tại các công trình do Trung Quốc xây dựng ở Papua New Guinea. Ảnh: Guanhcha

Hồi tháng 6 vừa qua, nhân chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill đã chính thức ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh, trở thành quốc gia Nam Thái Bình Dương đầu tiên tham gia vào sáng kiến Vành đai và con đường.

Theo báo Trung Quốc, ngoài hỗ trợ vật chất kinh tế, Trung Quốc còn thể hiện sự ủng hộ tinh thần vô cùng lớn với Papua New Guinea khi ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo APEC đầu tiên xác nhận tham gia sự kiện năm nay.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng

Theo giới quan sát, hiện nay, Trung Quốc và Australia là hai nước có sự ganh đua ảnh hưởng quyết liệt ở Papua New Guinea.

BBC chỉ ra, loạt động thái gần đây của Australia là sự phản ứng trước sức ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.

Trước đó, vào ngày 1/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố sẽ hỗ trợ Papua New Guinea xây dựng căn cứ hải quân và tham gia công tác đào tạo cảnh sát cho quốc gia Nam Thái Bình Dương này.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Australia), Trung Quốc đã trở thành nước viện trợ lớn thứ hai ở Nam Thái Bình Dương. Kể từ năm 2011, các khoản viện trợ và vay ưu đã cho Nam Thái Bình Dương của Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD, lớn hơn con số 1,2 tỷ USD của New Zealand, chỉ đứng sau con số 6,6 tỷ USD của Australia.

Đặc biệt, trong năm 2018, Trung Quốc hy vọng sẽ vượt Australia trở thành nước viện trợ lớn nhất ở Nam Thái Bình Dương, trong đó, Papua New Guinea là đối tác nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc trong số các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Papua New Guinea.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại