1. Ngày 17/8, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành kết luận về việc xác định tuổi của Đảng viên.
Theo đó, "từ ngày 18/8/2016 không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên, mà thống nhất xác định tuổi theo hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng”, đó là nội dung Thông báo số 13 – TB/TW kết luận về việc xác định tuổi của đảng viên của Ban Bí thư, Ban Bí thư xem Thông báo này là rào chắn để chấm dứt hẳn chuyện chạy tuổi của cán bộ lãnh đạo.
Vì sao người ta muốn chạy tuổi?. Đơn giản, chạy tuổi để chậm về hưu, chậm về hưu nghĩa là còn tại vị, còn tại vị nghĩa là còn “nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có người trả”.
Suy cho cùng, chạy tuổi cũng chỉ dể đảm bảo quyền lợi cho riêng cá nhân, một thứ quyền lợi gói gọn trong bốn chữ, “vinh thân phì gia”.
Năm nảo năm nào, dư luận một phen bổ ngửa vì thông tin hàng loạt giáo viên mầm non sắp đến tuổi hưu ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên được sửa lại tuổi từ khai sinh cho đến văn bằng để kéo dài tuổi chờ hưu.
Tất nhiên, nếu không có sự giúp đợ nhiệt tình thắm thiết của các cơ quan chức năng thì mọi chuyện sẽ không trơn tru đến vậy.
Bởi công dân nào không có số làm cán bộ lãnh đạo từng vướng víu những vấn đề liên quan đến chỉnh sửa tuổi tác, tên họ đều biết vạn sự khó khăn như thế nào.
Cá biệt trong những giáo viên mầm non được sửa lại tuổi ở huyện Đông Hòa (Phú Yên), có giáo viên được sửa hơi lố thành ra 14 tuổi đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm để có thể thanh thản thiết tha với nghề gõ đầu trẻ.
Đời sống của giáo viên luôn còn nhiều khó khăn, các chế độ dành cho họ ít khi tương xứng với sự cống hiến, thế nên câu chuyện sửa tuổi vì một chút quyền lợi của nhóm bộ phận này cũng không đáng bị chỉ trích nặng nề.
Sở dĩ nhắc lại là vì đây là lần đầu tiên công luận được chứng kiến một thông tin chính thức chứ không phải là đồn đoán về câu chuyện sửa năm sinh trong cán bộ.
2. PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói về vấn đề sửa tuổi của cán bộ lãnh đạo như sau, “Vấn đề điều chỉnh tuổi của nhiều người đã diễn ra ở nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu.
Việc này tạo dư luận không tốt trong xã hội, tạo nên sự dị nghị, không tán đồng trong cơ quan. Điều lâu nay chúng ta yếu kém là hay du di, vì nể tình, vì thân quen, vì lợi ích này, lợi ích kia.
Chuyện du di đó tưởng chừng đơn giản nhưng chính nó làm mất uy lực của các văn bản, quyết định của Đảng và Nhà nước”.
Thực tế là bức tranh sinh động nhất là bất cứ cụm từ nào được sử dụng trong văn bản hay phát ngôn trên truyền thông đều không thể che đậy hoặc ngụy biện được.
Mặc cho, cứ mỗi lần trước những đợt sắp xếp, bầu bán lại cán bộ lãnh đạo từ địa phương cho đến Trung ương, dư luận đều râm ran về câu chuyện tuổi tác của một số cán bộ lãnh đạo.
Dĩ nhiên, điều chỉnh tuổi dựa trên hồ sơ giấy tờ thì không thể nào mà sai được, nó tựa tựa một thứ “đúng quy trình” mà dư luận từng nghe.
Đa phần đều có một kiểu nói như nhau, do thất lạc giấy tờ, do bố mẹ nhớ nhầm, do nhiệt huyết muốn cống hiến nên tự ý khai tuổi lên nay muốn điều chỉnh…
Tuy nhiên, chỉ có thứ không đúng quy trình ấy chính là người dân đều biết rõ cả nhưng không biết phải phản ứng ra sao.
Hơn nữa, với cương vị đang nắm giữ thì cán bộ lãnh đạo đều có thể dễ dàng điều chỉnh năm sinh theo ý chí chủ quan của bản thân.
Ông Vương Đức Lâm, vốn là Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài. Cuối tháng 5/2016, ông Vương Đức Lâm đã nhận được kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về những tố cáo nhắm vào ông.
Trong kết luận này có đoạn, “Kết quả kiểm tra cũng cho thấy việc cải chính năm sinh trong hồ sơ đảng viên của ông Lâm đã được cấp có thẩm quyền cho phép và thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Điều này cho thấy rằng việc điều chỉnh năm sinh của các cán bộ lãnh đạo đều không có gì sai cả, đếu luôn luôn đúng.
Đâu phải ngẫu nhiên nhân dân tin vào câu, “Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”.
3. Vấn đề tất yếu trong chuyện chạy tuổi, điều chỉnh tuổi không hề liên quan đến luật.
Vấn đề ở đây chính là lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo luôn được đặt sang một bên trước những đặc quyền đặc lợi mà họ được nhận từ vị trí công tác, thêm một ngày là tốt một ngày, thêm một tuần là hay một tuần.
Thế nên cũng không có gì là ngạc nhiên khi anh làm cán bộ có năm sinh còn nhỏ hơn em là nông dân, hoặc con là cán bộ có số tuổi trên giấy tờ chỉ thua cha già có một chút xíu.
Chả lẽ tất cả đều hợp lý?