Sự trỗi dậy của Singapore: Trở thành con rồng của châu Á không phải tình cờ

Trang Trang |

Kết hợp giữa chính sách công với nhiều ưu đãi, phát triển quan hệ thương mại quy mô quốc tế và sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân, có thể là bài học cho bất kỳ quốc gia đang phát triển nào.

Khi giành được độc lập vào năm 1965, Singapore là một quốc gia có thu nhập thấp với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu và thiếu, không có nhiều đầu tư và ít việc làm.

Vài thập kỷ sau, một bức tranh đã hoàn toàn khác, sáng và rực rỡ. Singapore đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất châu Á, và một phần lớn nguyên nhân đó là việc quốc đảo xuất hiện với vị trí như một trung tâm hậu cần có hiệu suất cao nhất trong khu vực 2,3 năm trở lại đây.

Ngày nay, quốc gia - thành phố nhỏ này là nơi có cảng container trung chuyển lớn nhất thế giới, được liên kết với hơn 600 cảng trên toàn thế giới. Sân bay Changi Singapore được bình chọn là một trong những sân bay quốc tế tốt nhất thế giới phục vụ 65,5 triệu người năm 2018. Cuối cùng, giá trị thương mại của quốc đảo sư tử năm 2017 gấp 3,5 lần GDP của nó .

Thành tựu của Singapore không đến một cách tình cờ. Chúng là kết quả của sự kết hợp giữa chính sách công với nhiều ưu đãi, phát triển quan hệ thương mại quy mô quốc tế và sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân. Bài học kinh nghiệm này có thể giúp cho bất kỳ quốc gia đang phát triển nào đang tìm cách cải thiện mạng lưới hậu cần của mình.

Tăng cường nỗ lực mở rộng hệ thống thông thương quốc tế

Với diện tích đất nước chưa đến 800km2 chỉ ngang với diện tích một tỉnh của Việt Nam đồng nghĩa thị trường nội địa của Singapore tương đối nhỏ. Phát triển các kết nối "tần số cao" đến hàng trăm điểm đến trên toàn cầu không phải là một điều dễ dàng. Đó thật sự là kết quả của chính sách chủ động mở rộng.

Nằm trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ, Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore đã ký kết Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không (ASA) với 130 quốc gia và Lãnh thổ để tăng số lượng kết nối chuyến bay.

 Sự trỗi dậy của Singapore: Trở thành con rồng của châu Á không phải tình cờ  - Ảnh 1.

Cảng Singapore trong những năm 1900 và hiện tại.

Tương tự, cảng Singapore - một trong những cảng container lạnh lớn nhất thế giới chiếm một phần bảy lượng hàng container trên thế giới, đã hợp tác chặt chẽ với các hãng tàu để xây dựng một trong những mạng lưới giao thông hàng hải dày đặc nhất thế giới.

Singapore có một hệ thống các Hiệp định thương mại tự do rộng lớn với hơn 30 đối tác thương mại để tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường lớn. Tháng 2/2019, Hiệp định thương mại tự do giữa EU- Singapore chính thức có hiệu lực, đem lại cho quốc đảo này thị trường thương mại lớn nhất thế giới. Điều này khuyến khích các công ty hậu cần hoạt động kinh doanh ở Singapore. Với nền tảng môi trường và thuận lợi như vậy, các công ty biết rằng có thể tin tưởng vào các kết nối thường xuyên và đáng tin cậy để tiếp cận thị trường toàn cầu một cách nhanh chóng. Trên thực tế, các kết nối ở tần số cao và dày đặc đôi khi cho phép hàng hóa thậm chí đến đích nhanh hơn do chuyển trung gian qua Singapore so với các chuyến hàng trực tiếp!

Cơ sở hạ tầng và quy trình sáng tạo

Theo thời gian, ngành hậu cần của Singapore đã xây dựng các quy trình và cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Đất nước luôn suy nghĩ về phía trước, và một số sáng kiến ​​xây dựng cho tương lai trong mọi phần kiến tạo chuỗi hậu cần.

Sau khi hoàn thành Cảng thế hệ tiếp theo 2030, cảng Singapore có thể xử lý tương đương với 65 triệu container vận chuyển tiêu chuẩn, biến nó thành cơ sở tích hợp lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, việc phát triển các phương tiện tự động không người lái, tận dụng các cảm biến thông minh để phát hiện các khác thường trong vận chuyển như vi phạm bản quyền và phân tích dữ liệu để dự đoán các điểm tắc nghẽn giao thông cũng được đưa vào ứng dụng tại đây. Một hệ thống mang đầy đủ đặc điểm của công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo.

 Sự trỗi dậy của Singapore: Trở thành con rồng của châu Á không phải tình cờ  - Ảnh 2.

Khu vườn trong nhà mới khánh thành của sân bay Changi.

Trong lĩnh vực hàng không, Singapore cũng có kế hoạch tăng gấp đôi công suất của sân bay. Vận tải hàng không được khuyến khích sử dụng các dịch vụ ở Singapore nhờ các quy trình và cơ sở hạ tầng được chuẩn hóa đặc biệt. Công trình Công viên Hậu cần Sân bay phục vụ các loại hàng hóa nhạy cảm với thời gian. Ở đây có chuỗi cung ứng lạnh đảm bảo lưu trữ loại hàng dễ hỏng và hệ thống cơ sở chuyển phát nhanh trong khu vực để phù hợp với hoạt động thương mại điện tử đang phát triển.

Nhân viên được đào tạo thường xuyên để đảm bảo họ có thể theo kịp các công nghệ mới và có các kỹ năng phù hợp để xử lý các loại hàng hóa khác nhau. Ví dụ, một trong trung tâm trữ lạnh của sân bay là nơi đầu tiên trên thế giới được trao Chứng nhận Dược phẩm IATA CEIV trong xử lý hàng hóa dược phẩm.

Để tạo thuận lợi cho thương mại, Singapore cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia vào (NSW) năm 1989. NSW đã số hóa và sắp xếp hợp lý các quy trình phê duyệt các loại giấy phép thương mại. Hơn 35 cơ quan chính phủ được tích hợp trên nền tảng NSW. Việc này đòi hỏi toàn bộ chính phủ phải thay đổi suy nghĩ của mình từ "kiểm soát thương mại" chuyển thành "tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại".

Ngày nay, giấy phép vận chuyển có thể được phê duyệt trực tuyến trong vòng vài phút nhờ có các dữ liệu trực tuyến. Tuy nhiên, một lô hàng có thể liên quan đến nhiều bên và nhiều tài liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến các công ty hậu cần, công ty tài chính thương mại và người tiêu dùng.

Vì vậy, việc cấp thiết cần đặt ra là nâng cao chất lượng hoạt động của NSW. Điều đó tương ứng với nỗ lực tăng cường tích hợp các giao dịch giữa doanh nghiệp càng nhiều càng tốt trên cùng một nền tảng kỹ thuật số duy nhất. Đó quả thật chính là xu hướng công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này.

Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân

Chính phủ nhận ra tầm quan trọng của việc đưa khu vực tư nhân vào các quyết định chính sách. Theo thời gian, các nhà vận hành cảng và sân bay đã được tư nhân hóa, để đảm bảo họ đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp.

Kể từ khi cổ phần hóa, khối lượng hàng hóa cho nhà khai thác cảng biển lớn thứ 2 thế giới PSA, đã tăng lên gấp bội. PSA đã đầu tư vào khoảng 40 nhà ga trên toàn thế giới. Sự cạnh tranh ngày càng tăng của khu vực tư nhân đã khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành "nhanh nhẹn" trong lĩnh vực thương mại và giúp ngành hậu cần của Singapore hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng thu hút các nhà đầu tư đến Singapore bằng cách đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi và mời gọi các ưu đãi phù hợp dành cho khu vực tư nhân. Ngày nay, 20 trong số 25 công ty hậu cần hàng đầu thế giới quản lý các hoạt động toàn cầu hoặc khu vực của họ từ Singapore. Nguồn nhân sự chất lượng cao hàng đầu thế giới đã giúp cho các công ty nội địa vươn tầm tiêu chuẩn thế giới.

 Sự trỗi dậy của Singapore: Trở thành con rồng của châu Á không phải tình cờ  - Ảnh 3.

Sư Tử Biển Merlion - biểu tượng của Singapore.

Hoạt động tham vấn với khu vực tư nhân được tiến hành ở qui mô lớn trước khi đầu tư công được phê duyệt, để đảm bảo cơ sở hạ tầng được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu kinh doanh thực tế. Bằng nhiều hình thức khác nhau, chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào việc tăng cường hơn nữa vào cơ sở hạ tầng.

Ví dụ, các ông lớn như SATS và FedEx đã đầu tư vào các cơ sở vận chuyển hàng không như chuỗi cung ứng lạnh và các cơ sở vận chuyển hàng hóa nhanh trong khu vực. Và chính phủ Singapore giúp xây dựng môi trường kinh doanh cho các khoản đầu tư đó.

Các vấn đề được cùng nhau giải quyết nhằm đảm bảo các đầu tư tạo ra các giá trị thương mại đối với khu vực tư nhân. Quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa chính phủ với khu vực tư nhân đảm bảo rằng các sáng kiến có giá trị bền vững và lâu dài, không trở thành gánh nặng cho các tổ chức công.

Ba yếu tố này - kết nối, cơ sở hạ tầng và quy trình, và sự tham gia của khu vực tư nhân - tạo ra một hệ sinh thái tích hợp cho phép lĩnh vực hậu cần tại quốc đảo nhỏ bé này phát triển mạnh. Thành công của Singapore cho thấy, với tầm nhìn xa trông rộng và nhiều quyết tâm, một quốc gia có ít nguồn lực thuận lợi có thể trở thành một trung tâm hậu cần hàng đầu khu vực và thế giới. Và câu chuyện Singapore sẽ có thể truyền cảm hứng cho các nền kinh tế mới nổi khác!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại