Sự tích Táo Quân
Trong tín ngưỡng dân gian ta xưa nay vẫn lưu truyền rằng, cứ đến 23 tháng Chạp thì ông Táo lại cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi chuyện đã xảy ra ở gia đình trong suốt 1 năm qua, đến tận đêm giao thừa mới quay trở lại để bắt đầu 1 năm công việc mới.
Sự tích xưa kể rằng:
"Ngày xửa ngày xưa, ở 1 vùng quê nọ, có hai vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Yêu chồng, nhưng buồn tủi vì tính tình chồng ngày càng một bạo ngược, hung hăng vì chuyện đó.
Đỉnh điểm là 1 ngày bị chồng gây chuyện, vác cày ra đánh, Thị Nhi không thể chịu nổi nên bỏ chạy, ra đi biệt xứ không về. May thay, đến 1 xứ khác, nàng gặp được người tốt và lấy họ làm chồng, tên là Phạm Lang.
Tranh dân gian Việt Nam
Sau khi vợ bỏ đi không về, Trọng Cao cảm thấy buồn bực và vô cùng hối hận nên quyết ra đi tìm lại vợ mình. Nhưng giữa bể người mênh mông biết đâu mà tìm, số tiền dành dụm được mang đi cũng dần tiêu hết, cuối cùng chàng đành cứ thế mà lần mò tìm vợ, đi đến đâu xin ăn đó.
Một hôm, đuyên số đưa đẩy, Trọng Cao tình cờ đến xin ăn đúng nhà Phạm Lang. Thị Nhi nhận ra chồng cũ và đãi cơm rượu đuề huề. Trọng Cao bị đói lâu ngày nên ăn uống mặc sức. Sau khi no say lại lăn ra ngủ, Thị Nhi không muốn cho chồng mới biết chuyện, bèn đưa Trọng Cao giấu vào đống rơm lớn sau nhà.
Đến chiều, Phạm Lang trở về. Trước khi đi ngủ, chàng đốt đống rạ góc vườn để ngày mai bón ruộng mà không hề hay biết có người ở bên trong. Đến khi Thị Nhi phát hiện ra thì đã quá muộn. Thương chồng hóa ra giết chồng, nàng vừa đau đớn vừa ân hận, bèn nhảy vào đống lửa đang bốc ngùn ngụt. Phạm Lang thấy vậy, đau xót vô cùng, lại thương vợ cũng gieo mình chết bên Thị Nhi.
Ngọc Hoàng cảm động vì tình yêu của ba người bèn cho làm Thần Bếp, hay còn gọi chung là Táo Quân, mỗi người giữ 1 trọng trách khác nhau:
- Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
- Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
- Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Và cũng kể từ đó, tục lệ thờ cúng Táo quân – thần Bếp bắt đầu xuất hiện. Cứ tới 23 tháng Chạp hàng năm, người dân lại sửa soạn cỗ, phóng sinh cá chép để cúng tiễn Táo về chầu trời".
Đó là sự tích lưu truyền trong dân gian Việt Nam, vậy còn các nước khác thì sao? Nổi bật nhất sẽ là 3 câu chuyện sau đây:
Táo Quân - Thần Bếp của Hàn Quốc
Theo tín ngưỡng Hàn Quốc, có 1 nữ thần tên Jowangshin, bà là thần lửa, thần bếp, cũng là vị thần của mọi gia đình. Cũng giống như Táo Quân, hàng năm Jowangshin theo dõi tất cả mọi việc, sự kiện xảy ra trong gia đình rồi sẽ báo cáo lại với Ngọc Hoàng.
Tương truyền, Jowangshin có hiện thân là một bát nước sạch, tinh khiết, đầy đặn đặt trên bàn thờ đất sét trong nhà. Hàng ngày, cứ mỗi sớm mai, người dân Hàn Quốc (thường là phụ nữ) phải đi lấy nước ngọt từ giếng gần nhà đổ vào trong bát, nó như 1 nghi thức cầu sự may mắn, bình an cho cả nhà.
Cũng theo đó, người Hàn Quốc có quan niệm về một số điều cấm kỵ, tuyệt đối không được phạm phải nếu không sẽ bị nữ thần Jowangshin trừng phạt nặng nề, ví dụ như: Nói lời nguyền rủa khi đứng trong bếp; ngồi mà để bàn chân lên bếp hay không vệ sinh, lau chùi bếp sạch sẽ… đều là nhưng việc không được làm.
Thuở xưa, có 1 truyền thuyết của người dân đảo Jeju kể rằng: Vì tội ném chiếc giày bùn đất vào bếp mà Hwanguyangssi với "bộ giáp vinh quang" đã bị thần Jowangshin trong nhà cử một quân thần của trời - Okhwang Chasa vào nhà để trừng phạt Hwanguyangssi.
Do đó, ai ai cũng sợ, không dám phạm những điều kiêng kỵ trên.
Táo Quân - Thần Bếp của Nhật Bản
Nếu như Táo Quân của người Hàn Quốc là nữ thàn thì của người Nhật lại là nam thần, ngài có tên là Daikokuten và là vị thần chuyên cai quản, chủ sự chuyện nhà cửa, bếp núc và tài lộc của gia đình.
Không chỉ có thể, Daikokuten cũng là vị thần của ngũ cốc, là một trong Thất đại thần may mắn trong quan niệm văn hóa dân gian của người Nhật, cho nên, nếu đã từng đến xứ sở của hoa anh đào, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy người ta thường bày bán những bức tượng thần Daikokuten như một biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng.
Daikokuten - Đại Hắc Thiên Vương - Táo Quân của Nhật Bản
Là biểu trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, sung túc của mọi gia đình, Daikokuten có khuôn mặt to lớn và sở hữu 1 nụ cười hể hả, phúc hậu.
Thậm chí, người Nhật cổ còn quan niệm rằng trong những phiên chợ cuối năm, nếu có ai ăn cắp được bức tranh hay bức tượng thần Daikokuten mà không bị "bắt quả tang" thì sang năm mới người đó sẽ gặp được rất nhiều may mắn.
Mà cũng vì quan niệm cổ ấy mà những người bán hàng không mấy khi làm to chuyện khi tranh hoặc tượng về Daikokuten bị mất, kể cả là có nhìn thấy người nào đó đang "ra tay".
Vào đêm giao thừa, tượng và tranh của Đại Hắc Thiên Vương - Daikokuten sẽ được bày bán rất nhiều ở ngoài đường như một món đồ may mắn mang tài lộc về nhà.
Táo Quân - Thần Bếp của Hy Lạp
Giống như Hàn Quốc, vị thần lo chuyện bếp núc ở Hy Lạp là phụ nữ, nàng có tên là Hestia. Dù không được nhiều người biết đến như 3 anh em Zeus, Poseidon, Hades hay các vị thần thuộc thế hệ sau như Apollo, Athena, Athemis nhưng Hestia lại là nữ thần khá vai vế.
Nàng là thuộc dòng dõi của các titan khổng lồ ngày xưa, là con của Rhea và Cronus, là chị cả của vị thần tối cao của đỉnh Olympus, Zeus!
Nữ thần Hestia là người vô cùng nhân hậu, đạo đức và nhân hậu. Sau này, nàng được giao trọng trách trông coi ngọn lửa thiêng của đỉnh Olympus cũng như trở thành nữ thần bảo hộ cho xứ Mazonala.
Tại đền thờ sảnh lớn ở Minoan-Mycenaean, dân chúng thờ nữ thần Hestia như là Thần Bếp sưởi ấm cho mọi người vào những ngày đông lạnh giá.
Tham khảo nhiều nguồn