Nội dung chính
- Hoàng Phi Hồng – Kỳ nhân võ thuật trong lịch sử cận hiện đại Trung Hoa
- Sự thật về cuộc đời Hoàng Phi Hồng
Chúng ta từng biết đến những huyền thoại võ thuật Trung Quốc như Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn hay Trần Chân qua các bộ phim. Trong đó, Hoàng Phi Hồng là một danh sư võ nghệ cao cường, hành y rất giỏi. Trên màn ảnh, võ công của ông có thể đánh bại hàng chục đối thủ một cách dễ dàng. Nhưng sự thật về Hoàng Phi Hồng có thật là như vậy?
Hoàng Phi Hồng - Võ sư tiếng tăm và một danh y tài giỏi
Theo Sohu, Hoàng Phi Hồng là một người sống trong thời loạn lạc và thời kỳ đầy biến động của lịch sử Trung Quốc, phức tạp và đầy ắp những giai thoại hơn nhiều.
Hoàng Phi Hồng (9 tháng 7 năm 1847 – 24 tháng 5 năm 1924), tên gốc là Tích Tường, trước khi đổi sang tên Phi Hồng, tên chữ của ông là Đạt Vân.
Hoàng Phi Hồng sinh ra vào thời hoàng đế Đạo Quang trị vì nhà Thanh. Ở tỉnh Quảng Đông, nơi ông sinh sống, Hoàng Phi Hồng là một huyền thoại, được kính trọng không chỉ vì tài năng võ thuật mà còn vì lòng hào hiệp và y đức cao cả. Từ thuở nhỏ, ông đã được cha mình, Hoàng Kỳ Anh – một trong "thập hổ" của Quảng Đông – truyền dạy võ nghệ. Dù gia cảnh khó khăn, Hoàng Kỳ Anh chỉ có thể mưu sinh bằng nghề mãi võ và bán thuốc dạo, nhưng ông đã cho thấy tài năng võ thuật nổi trội, học hỏi nhanh chóng.
Năm 13 tuổi, ông chạm trán với Lâm Phúc Thành, học trò của "Thiết Kiều Tam" Lương Khôn trên đường Đậu Xì, Phật Sơn. Sau đó, họ Lâm đã dạy ông những thế võ quan trọng của môn Thiết Tuyến quyền. Sau đó, ông học Vô Ảnh cước từ Tống Huy Thang. Sau đó, Hoàng Phi Hồng đã học thêm nhiều danh sư các môn võ khác nhau và thậm chí còn vượt qua cả người cha của mình.
Tuyệt chiêu của Hoàng Phi Hồng bao gồm Hổ Hạc Song Hình quyền, Thiết Tuyến quyền, Cung Tự Phục Hổ quyền, Vô Ảnh cước, Tử Mẫu đao, Đơn song hổ trảo, Tứ Lượng Tiêu Long côn, Song phi đà, La Hán bào.
Hoàng Phi Hồng sống trong một giai đoạn mà Trung Quốc chịu nhiều biến động, từ các cuộc khởi nghĩa nông dân đến chiến tranh thuốc phiện và cuối cùng là sự sụp đổ của nhà Thanh. Ông nổi tiếng sau khi một mình đánh đuổi hàng chục tên cướp và từ đó trở thành võ sư danh tiếng nhất tỉnh Quảng Đông. Ông cũng dùng tài năng của mình để bảo vệ người dân và duy trì trật tự, làm cho tên tuổi và võ đường của mình được biết đến rộng rãi.
Ngoài ra, Hoàng Phi Hồng còn là một lương y tài ba, ân cần với bệnh nhân, thậm chí không lấy tiền của những người nghèo khó. Những giai thoại về sự dũng cảm và tài năng của ông vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Những giai thoại về Hoàng Phi Hồng
Từ những năm 1820, nhà Thanh ngày càng suy yếu. Khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851 – 1864).
Từ năm 1840 đến 1860, nhà Thanh 2 lần xảy ra "Chiến tranh thuốc phiện" với phương Tây và đều thất bại. Năm 1900, liên quân 8 nước tiến vào Bắc Kinh, nhà Thanh gần như sụp đổ.
Trong khi chính quyền nhà Thanh ngày càng hủ bại, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Tỉnh Quảng Đông – vùng đất trù phú, có cảng biển – là khu vực hỗn loạn nhất. Vốn bản tính hào hiệp, Hoàng Phi Hồng không thể ngồi yên.
Theo China Times, năm 1875, Hoàng Phi Hồng một mình đánh đuổi hàng chục tên cướp xông vào một cửa tiệm ở Phật Sơn, Quảng Đông. Sự kiện này giúp Hoàng Phi Hồng nổi danh khắp tỉnh Quảng Đông.
Năm 1876, Hoàng Phi Hồng ra tay bênh vực một người bán hàng rong ở Hong Kong. Ông dùng tuyệt kỹ Bát quái côn (môn võ gậy) đánh bại hàng chục tên côn đồ có vũ khí.
Thời gian ở Quảng Châu, Hoàng Phi Hồng và các đệ tử nhiều lần hành hiệp trượng nghĩa, đánh đuổi bọn trộm cướp, côn đồ và giữ trật tự trị an. Ông được người dân ca ngợi và là võ sư nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Đông thời bấy giờ.
Giai thoại nổi tiếng nhất về Hoàng Phi Hồng đánh bại một tên người phương Tây và lấy lại thể diện cho người Hong Kong năm 1876. Khi đó, một người phương Tây đem một con chó hung dữ tới, hống hách khiêu chiến, hắn ra điều kiện, bất cứ ai có thể đánh thắng được con chó sẽ được thưởng 50 HKD. Rất nhiều người bị con chú hung dữ tấn công và bị thương rất nặng, ngậm ngùi ra về.
Thấy cảnh tượng người dân mình đại bại trước một con chó Tây, Hoàng Phi Hồng tức giận nhận lời thách đấu, chỉ sau vài cú ra đòn, con chó bị đánh gục.
Người chủ thấy vậy tức giận, không chịu đưa tiền mà đòi Hoàng Phi Hồng phải đấu tay tôi với hắn: "Chó của ta thua, nhưng ta không thua, muốn lấy được tiền thì đấu với ta". Hoàng Phi Hồng khảng khái nói: "Được, nhưng võ thuật phải có chữ tín, ngươi viết cam kết rồi điểm chỉ vào, ta sẽ đấu".
Thoả thuận xong xuôi, Hoàng Phi Hồng nhanh chóng đánh bại người Tây hống hách. Câu chuyện này ngay ngày hôm sau được lan truyền khắp nơi, Hoàng Phi Hồng từ đó được người dân Hong Kong gọi là "anh hùng dân tộc".
Ông còn có một tuyệt kỹ khác, điều quan trọng làm nên tên tuổi và tiền bạc, đó là tài chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền. "Thời ấy, trên từ văn quan võ tướng, dưới từ học trò, nông dân, ai cũng bị bệnh cũng muốn được Hoàng sư phụ đích thân chẩn trị", báo chí Hong Kong dẫn lời các nhân chứng sống cùng thời Hoàng Phi Hồng.
Một viên tướng nổi tiếng thời bấy giờ là Lưu Vĩnh Phúc viết tặng hiệu thuốc của Hoàng bốn chữ: Kỹ nghệ giai tinh (giỏi cả võ lẫn y thuật).
Dẫu vậy, cuộc đời của Hoàng Phi Hồng cũng không thiếu những bi kịch, như cái chết của con trai ông, Hoàng Hán Sâm, và những biến cố đã khiến ông từ bỏ việc dạy võ và đóng cửa võ đường của mình. Cuộc sống sau này của ông, dù có thời gian an nhàn, cũng không tránh khỏi những khó khăn và cuối cùng là cái chết ở tuổi 77.
Hình tượng Hoàng Phi Hồng trong điện ảnh được đề cao như một người hùng với kỹ năng võ thuật đáng kinh ngạc, người bảo vệ kẻ yếu và đấu tranh chống lại bất công. Điều này là một phần quan trọng trong di sản văn hóa Trung Quốc, nhưng cũng cần được hiểu trong bối cảnh lịch sử và văn hóa phong phú từ đó nó bắt nguồn.
Tổng hợp