Sự thật xúc động phía sau chuyện chàng trai bị kỳ thị vì nuôi tóc dài

Phong Linh |

Gần 3 năm nuôi tóc dài để tặng bệnh nhân ung thư, chàng trai 9X có một trải nghiệm thú vị và phải chịu những lời gièm pha, kỳ thị, nghi ngờ giới tính từ mọi người.

Sự thật xúc động phía sau chuyện chàng trai bị kỳ thị vì nuôi tóc dài - Ảnh 1.

Nuôi tóc từ năm 2017 nhưng Tùng chưa có lần nào hiến tặng thành công.

Gặp Đào Tuấn Tùng (30 tuổi, Hòa Bình) trông anh khá lãng tử với mái tóc dài. Thế nhưng, từ ngày nuôi tóc dài, anh lại gặp phải vô vàn những câu chuyện trớ trêu từ người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm.

Lần đầu tiên quyết định nuôi tóc vào cuối năm 2017, Tùng ngay lập tức nhận phải sự phản đối gay gắt từ anh, chị của mình. Không những vậy, họ hàng gièm pha, nói ra nói vào cho rằng anh muốn gây chú ý, làm bản thân nổi trội và rồi mọi người đánh giá nhân cách, năng lực của anh qua việc để tóc dài. Anh cũng nhận không ít những lời bình luận, góp ý trực tiếp về việc nếu cắt tóc và để tóc như con trai bình thường sẽ thế này..., còn để tóc dài sẽ thế kia...

“Đặc biệt, trong những mối quan hệ mới, tôi bị nhiều cô gái xa lánh chỉ vì mái tóc. Khi đi làm quen, hẹn hò đa số các bạn nữ không thích con trai để tóc dài. Nhiều bạn còn bảo thích hình ảnh tôi lúc để tóc ngắn, trông đẹp trai hơn. Vì tôi để tóc dài mà có cô gái không muốn nói chuyện, có người gặp một lần rồi về cũng cắt liên lạc. Thậm chí, nhiều người còn nhìn mái tóc mà khẳng định tôi không có công việc ổn định, không có tương lai, hay bay bổng, không chắc chắn...”, Tùng chia sẻ.

Không những thế, anh thường xuyên bị kỳ thị hay nghi ngờ về giới tính. Mặc dù, Tùng đã chia sẻ mục đích mình để tóc dài nhưng anh vẫn phải chịu nhiều áp lực, điều tiếng.

Sự thật xúc động phía sau chuyện chàng trai bị kỳ thị vì nuôi tóc dài - Ảnh 2.

Nuôi tóc dài trở thành một trải nghiệm thú vị với Tùng.

Chia sẻ về mục đích để tóc dài, Tùng cho hay: “Bạn có biết ngoài hiến tạng, giác mạc, máu và tinh trùng thì bạn còn có thể hiến tặng gì không? Đó chính là tóc của bạn. Ở Việt Nam có một ngân hàng tóc, ngân hàng tóc sẽ nhận tóc hiến tặng từ mọi người để làm thành những bộ tóc giả tặng cho bệnh nhân ung thư. 

Tôi biết đến điều này là tình cờ xem được một video nói về một cậu bé người Nhật đã nuôi tóc rất dài để tặng cho bạn của mình bị ung thư. Và tôi đã được truyền cảm hứng từ video đó. Sau đó, tôi thử tìm kiếm tổ chức thu nhận tóc và tôi đã tìm được ở Việt Nam có ngân hàng tóc, thư viện tóc. Ai cũng thấy lạ về việc tôi để tóc dài và sau khi tôi kể về việc mình để tóc dài để làm gì thì mọi người còn thấy lạ làm hơn nữa”.

Trước phản ứng của mọi người, Tùng không lấy thế làm điều buồn lòng, vì đã quá quen với những đàm tiếu xung quanh. Hơn cả, bố mẹ cũng tôn trọng quyết định của anh, không có quá nhiều ý kiến về vấn đề này.

Bắt đầu nuôi tóc từ cuối năm 2017, thế nhưng đến nay, Tùng vẫn chưa có một lần nào hiến tặng tóc thành công. “Đến tháng 4/2019, tôi cắt đi mái tóc của mình để hiến tặng cho mạng lưới những người ung thư. 

Không may mắn, ngân hàng tóc vừa đóng, ngừng nhận tóc. Một tháng sau, ngân hàng tóc hoạt động trở lại nhưng điều kiện nhân tóc đã thay đổi. Trước đó, họ nhận tóc với tiêu chuẩn từ 14cm, sau khi mở lại điều kiện lên 25cm. Tóc đã cắt không đủ độ dài để hiến tặng. Tôi ngậm ngùi quay về bắt đầu nuôi lại từ cuối năm 2019 đến nay nhưng chắc tôi phải nuôi thêm một năm rưỡi nữa mới đủ 25cm để tặng”, Tùng cho hay.

Từ một chàng trai hơn 26 năm sống với mái tóc được cắt ngắn, việc có một mái tóc dài trở thành một trải nghiệm thú vị và rất đặc biệt với anh. Anh nói: “Việc nuôi tóc dài giúp tôi thấu hiểu cũng như giải đáp được hết các thắc mắc trước kia: Tại sao việc gội đầu với con gái lại quan trọng đến thế; tại sao mỗi khi đi ăn đồ nước như phở, bún con gái lại đi xin chủ quán dây chun; tại sao lại có thể rụng nhiều tóc như vật và luôn thấy tóc ở khắp mọi nơi; tại sao có thể tốn tiền và mất thời gian đi cắt tóc mà trông vẫn y như cũ chỉ là tóc ngắn hơn một chút... Rồi còn rất nhiều câu hỏi tại sao như vậy”.

Hiện tại, ngân hàng tóc nhận tóc làm cho bệnh nhân ung thư vú. Tôi mong thời gian tới sẽ làm tóc cho cả những đối tượng ung thư khác nhất là trẻ em. Đây là đối tượng mà tôi cực kỳ quan tâm.

Sau khi đồng nghiệp, bạn bè biết được ý nghĩa của việc anh nuôi tóc nhiều người hưởng ứng bằng nhiều cách như tự nuôi tóc, vận động mọi người cùng tham gia... “Việc làm của tôi không có gì lớn lao nhưng mọi người cùng làm sẽ tạo ra đóng góp thiết thực cho xã hội”, anh cho hay.

Sự thật xúc động phía sau chuyện chàng trai bị kỳ thị vì nuôi tóc dài - Ảnh 3.

Năm 2017, Tùng thực hiện dự án xóa mù bơi.

Ngoài việc nuôi tóc, Tùng có 9 năm tham gia hoạt động xã hội. Anh từng thực hiện nhiều dự án như xóa mù bơi, dự án dùng động vật (cụ thể là chó) để hỗ trợ điều trị cho các trung tâm có trẻ tự kỷ gặp vấn đề về tâm lý, cứu hộ cứu nạn cho động vật, các lớp dạy về sơ cấp cứu tiền sản...

Hiện tại, chàng trai đang ấp ủ dự định mở lớp xóa mù tiếng Anh cho sinh viên và người đi làm có hoàn cảnh khó khăn.

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (2)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại