Vào năm 1997, một bức ảnh "kỳ lạ" xuất hiện trên Internet khiến cả thế giới chấn động: Một chú chuột lông lá, với một thứ như tai người mọc ở ngang cơ thể. Bức ảnh đấy đã dấy lên làn sóng biểu tình phản đối kỹ thuật di truyền - công nghệ gene, dù nó vẫn còn tới tận ngày nay. Tất nhiên, bức ảnh cũng không được chỉnh sửa như nhiều người vẫn tưởng tượng.
Thứ nhất, đây không phải một bức ảnh chỉnh sửa mà là một thí nghiệm khoa học từng được tiến hành thực tế. Tháng 8/1997, Joseph Vacanti và các đồng sự từ trường đại học y khoa Massachusetts, Mỹ đã công bố một công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo một số bộ phận cơ thể. Đề án đã tạo được tiếng vang và thử nghiệm đã được tiến hành trên chuột. Người ta gọi chú chuột ấy là "Chú chuột Vacanti".
Thứ hai, đây cũng không phải một chiếc tai người thật. Dự án "tai chuột" được tiến hành từ năm 1989 khi Charles Vacanti (anh trai của Joseph) đã tạo một mô hình sụn có hình dạng như "tai người" bằng cách cấy tế bào sụn tai bò vào một khuôn dưỡng có hình dạng giống chiếc tai, sau đó cấy dưới lớp da của chuột cho nó tự phát triển.
Con chuột được sử dụng trong thí nghiệm là chuột thiếu hụt miễn dịch (nude mouse, gọi tắt là chuột nude - chuột trụi lông).
Việc thiếu hụt miễn dịch là một điều quan trọng trong dự án khi con chuột sẽ không từ chối những tế bào sụn bò được cấy lên người. Vai trò của con chuột trong thí nghiệm này như một nguồn cung cấp năng lượng để tế bào sụn bò có thể phát triển.
Tiến sĩ Charles Vacanti.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1999, một nhóm phản đối công nghệ gene đã đăng bức hình kia lên một trang quảng cáo trên tờ New York Times với nội dung có phần một chiều và định hướng dư luận:
"Đây là bức ảnh về một chú chuột bị biến đổi gene với tai người ở trên lưng". Trên thực tế, con chuột không hề bị biến đổi gene gì cả và "chiếc tai" ấy cũng không có tế bào nào của con người.
Câu chuyện được xuyên tạc trên đã khiến nhiều người tin rằng, đây là một chú chuột đã bị biến đổi gene và có thể mọc ra một chiếc tai người trên lưng thật. Nhiều nhà khoa học vẫn trông chờ vào kết quả của nghiên cứu này khi trên thực tế, những đôi tai bị hỏng rất khó để tái tạo vì nó được cấu trúc từ sụn. Hơn nữa, hình dáng, cấu trúc của tai cũng rất phức tạp để tái tạo.
"Trên thực tế, không có công nghệ đột biến gene nào được sử dụng trong thí nghiệm này, đó là phát minh khoa học thực sự rất xuất sắc", một nhà khoa học nhận định.
(Nguồn: Abc, BBC)