Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện hình ảnh một tấm bảng quảng cáo của Gojek đặt cạnh Baemin, với nội dung cho thấy hãng gọi xe Indonesia “đá đểu” ứng dụng từ Hàn Quốc. Tấm ảnh tưởng như một sản phẩm chỉnh sửa nhưng lại có thật giữa TP.HCM.
Bảng quảng cáo của Gojek đặt cạnh quảng cáo của Baemin trên đường phố Sài Gòn. (Ảnh: Hải Đăng)
Ngay tại một vòng xuyến mật độ giao thông đông đúc giữa Sài Gòn có tấm quảng cáo với hình ảnh Trấn Thành đang dùng app Baemin, dưới đó có dòng chữ: “Em ăn gì anh đặt Beamin giao?”.
Câu chuyện sẽ không có gì nếu cạnh bên đó không có quảng cáo của Gojek: “Ăn gì cũng được, Gojek giao là được”, sử dụng hình ảnh nổi bật của Hari Won - vợ Trấn Thành.
Dường như quảng cáo của Gojek cũng đặt ở một số địa điểm khác, bên cạnh bảng của Baemin.
Hình ảnh này được truyền đi trong nhiều nhóm tài xế công nghệ và các hội nhóm làm về truyền thông, quảng cáo. Nhiều ý kiến đã được nêu, trong đó chủ yếu tò mò, hiếu kỳ, ngạc nhiên về hình ảnh hai bảng quảng cáo đứng cạnh nhau.
Bộ phận truyền thông của Gojek và Baemin không bình luận gì về vấn đề trên khi được ICTnews hỏi.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Sáng lập truyền thông Trăng Đen) nói “thích thú” về câu chuyện trên, và đánh giá cao sức sáng tạo của đội ngũ tiếp thị Gojek. “Nhưng tôi băn khoăn không biết ở hậu trường thì những người liên quan có gặp rắc rối gì với các đối tác hay không”, ông Long trả lời ICTnews.
Trước đây từng có một màn đối đáp tương tự của hai nhãn hàng tại Việt Nam chuyên sản phẩm thức uống dinh dưỡng cho trẻ em, nhận được nhiều bình luận đánh giá cao về chuyên môn quảng cáo.
Trong giới công nghệ, Samsung từng có video “đá đểu” Oppo tại Việt Nam, tuy nhiên sau đó đoạn clip gây tranh cãi đã được cắt bỏ, chỉ còn lại phần quảng cáo sản phẩm.
Về quảng cáo của Gojek, ông Huỳnh Lê Khánh, Giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn truyền thông Golden Communication Group, cho rằng trong câu chuyện này không có bất kỳ điểm nào vi phạm các giá trị nền tảng của văn hoá Việt Nam nói chung.
Thông điệp, cách thể hiện thông điệp và cách đặt để thông điệp ở nơi công cộng thể hiện vẫn phù hợp với văn hoá Việt xét về tổng thể.
“Chỉ có một khía cạnh đó là văn hoá giao tiếp trực diện. Người châu Á nói chung và người Việt nói riêng thường không quen với văn hoá trực diện, cho nên khi nhìn vào sự “đối đáp trực diện” của hai thương hiệu thế này, có thể nhiều người cảm thấy có gì đó “lấn cấn”.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh nghề nghiệp, những cách “đáp trả” thế này thực sự gây hứng thú cho những ai đang làm trong ngành quảng cáo”, ông Khánh phân tích.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Long cho rằng hai bảng quảng cáo đặt riêng và đứng cạnh nhau không vi phạm giá trị văn hoá nào. Ngược lại, cách làm quảng cáo này thu hút sự chú ý của người qua đường, và đủ hấp dẫn để tạo ra các cuộc bàn luận trên cả truyền thông chính thống lẫn truyền thông xã hội, một cách tự nhiên và miễn phí.
Ông Khánh cũng cho rằng hai bảng quảng cáo có hiệu quả khi gây chú ý. Nhưng nếu quan tâm đến những mục tiêu khác như việc tiếp nhận thông điệp của người dùng, hiểu, tìm kiếm thêm thông tin, tin tưởng và sử dụng thì nó cần có một khảo sát cụ thể để đánh giá được mức độ đóng góp của mẫu quảng cáo này đối với thương hiệu sau chiến dịch.
Các màn quảng cáo đối đáp như trên không lạ trên thế giới. Pepsi và Coca Cola từng có những quảng cáo “đá” nhau tạo niềm hứng khởi cho cả người dùng lẫn giới chuyên môn. Hoặc Apple và Microsoft từng có nhiều video “đá xéo” nhau khá thú vị.