Phim cổ trang vốn là “đặc sản” của nền điện ảnh Trung Quốc. Bên cạnh những pha hành động võ thuật mãn nhãn, công phu, người xem cũng không thể quên cảnh các anh hùng cầm bình rượu tu ừng ực hay dùng tiên đơn, uống thuốc sắc để giải độc. Nhưng ít người biết đằng sau mỗi chén rượu, bát thuốc trong phim đều ẩn chứa những bí mật vô cùng thú vị.
Rượu, thuốc sắc trong phim
Trong phim cổ trang Hoa ngữ không thiếu cảnh các đại hiệp nốc cạn cả vò rượu chuẩn phong cách “không say không về”.Tất nhiên, người xem đều dễ dàng đoán được đây chỉ là nước lọc thông thường.
Nhiệm vụ của diễn viên là phải thể hiện sao cho uống nước mà như uống rượu. Và để tăng tính chân thật cho cảnh quay, một số đoàn phim đã sử dụng loại bát được phủ lớp sơn đặc biệt, chỉ cần ngửi mùi sơn mắt mũi diễn viên sẽ cay xè, đỏ ửng như thể vừa uống rượu.
Một nhân viên đạo cụ có thâm niên cho biết hầu hết diễn viên đều không thích thú gì loại bát này. Có người vừa nhìn thấy đã khó chịu ra mặt nhưng đành chấp nhận. Chỉ những ngôi sao lớn thì đoàn phim mới phải nhượng bộ.
Trong cảnh uống rượu thông thường, diễn viên không mấy khó khăn để hoàn thành phân đoạn. Còn với những cảnh uống cả vò rượu lớn, diễn viên sẽ dùng đến một thủ thuật nhỏ đó là “đổ nhiều hơn uống”, nghĩa là vừa uống vừa đổ xuống áo. Cách này vừa giúp lột tả nét phóng khoáng, tiêu sái của nhân vật mà bản thân người diễn cũng không phải uống nước quá nhiều.
Ngoài ra trong phim còn xuất hiện tình huống các đại hiệp uống say rồi cao hứng dùng đầu đập vỡ bình rượu. Để hạn chế gây thương tích cho diễn viên các nhà làm phim đã sáng tạo ra cách cô đặc nước đường, rót vào trong khuôn đúc rồi chờ đông lại. Qua một thời gian có thể dùng chai rượu bằng đường để làm đạo cụ.
Hạn chế của phương pháp này là bình được làm bằng đường nên không thể chứa quá nhiều nước. Hơn nữa tuy không gây nguy hiểm bằng chai thật, nhưng khi đập vào đầu thì cũng không mấy dễ chịu.
Đối với cảnh uống rượu độc, tổ đạo cụ sẽ sử dụng nước ngọt có ga pha với nước lọc để tạo cảm giác rượu chứa độc nên mới gợn bọt. Còn trong cảnh thổ huyết hoặc bị trúng độc sùi bóp mép... các diễn viên thường được ngậm dung dịch siro đặc. Nhân viên đạo cụ chỉ cần thêm một chút nước và màu thực phẩm là có thể cho ra loại chất lỏng có kết cấu giống như máu tươi. Loại chất lỏng này có thể ăn được nên rất an toàn cho diễn viên.
Ngoài rượu thì những bát thuốc sắc đắng chát trong phim cổ trang cũng được chuẩn bị theo cách tương tự. Đối với thuốc nóng người ta thường dùng đường đỏ để pha, nếu thuốc nguội thì đơn giản hơn, chỉ cần dùng nước ngọt có màu.
Thuốc viên, linh đan, tiên dược trong phim
Không khó khăn như khi diễn cảnh uống rượu, diễn viên sẽ cảm thấy khá dễ chịu khi đóng cảnh uống thuốc dạng viên trong phim. Đó là bởi đạo cụ này có thể được làm từ nhiều loại thực phẩm có sẵn ví dụ như viên bột mì, chocolate, kẹo hoặc ô mai.
Trong phim Trạch Thiên Ký có cảnh Trần Trường Sinh (Lộc Hàm) bị hôn mê và được dùng thuốc giải độc nhưng thực chất viên đan dược này được làm từ rong biển, sau khi ngâm nước là có thể dùng được.
Còn trong cảnh này tiên đan lại khá giống viên chả cá quen thuộc mà chúng ta ăn hàng ngày.