Trưa 6-1, trao đổi qua điện thoại với Báo Người Lao Động, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết 2 ngày qua ông có hay thông tin trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh một bé trai với nét mặt tươi cười, được cho là Thái Lý Hạo Nam (SN 2012; ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) – bé trai lọt vào trụ bê-tông sâu 35m.
Theo ông Bửu, đây là bức ảnh sai sự thật, không phải là bé Hạo Nam. "Chúng tôi đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh rà soát, nếu thông tin trên ảnh hưởng đến gia đình bé Nam thì sẽ có tiếng nói bảo vệ và hướng xử lý" – ông Bửu khẳng định.
Trước đó, trên mạng xã hội, một số tài khoản đăng tải bài viết liên quan đến vụ việc bé Hạo Nam kèm theo đường link có ảnh đại diện là hình một cậu bé đang cười. Những bài viết này nhanh chóng nhận được nhiều bình luận và chia sẻ "chóng mặt", khiến người xem nhầm tưởng cậu bé kia là Hạo Nam.
Hình ảnh giả mạo về bé Hạo Nam được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội
Theo tìm hiểu, cậu bé này có tên là Hoài N. (13 tuổi; quê Trà Vinh), hiện đang sống tại TP HCM. Sau khi biết được sự thật, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động chia sẻ thông tin sai sự thật, câu like, câu view bất chấp nỗi đau của gia đình bé Hạo Nam; đồng thời mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm những tài khoản này.
Như đã thông tin, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31-12-2022, một nhóm trẻ em độ tuổi từ 11 đến 12 đi vào công trường và được nhân viên bảo vệ phát hiện, đuổi ra. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, khi công nhân đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ này lại vào công trường phía mố MA không rõ mục đích.
Đến 11 giờ 55 phút, em Nam lọt vào trong lòng trụ bê-tông D500 tại mố MA (trụ C1-MA) có đường kính ngoài 50 cm, đường kính trong 25 cm. Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và công nhân đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó, công trình vẫn hoạt động thi công bình thường.
Ngay sau khi phát hiện, lập tức Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp; Sở GTVT; Ban Quản lý dự án; tư vấn giám sát; nhà thầu thi công; chính quyền địa phương, lực lượng y tế và các lực lượng cứu hộ khác đến hiện trường.
Đơn vị thi công đã dùng các bình ôxy có tại công trình bơm vào lòng trụ bê-tông; đồng thời sử dụng tất cả các thiết bị chuyên dùng để phá vỡ kết cấu chặt của lớp địa chất làm giảm ma sát xung quanh thành trụ để có thể rút trụ lên.
Quá trình giải cứu bé Hạo Nam, yếu tố cản trở quá trình cứu nạn là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, thiết bị được vận chuyển từ nơi xa đến nên lực lượng chức năng không thể chủ động được, phải thay đổi nhiều phương án cứu hộ. Đây là lý do chậm rút trụ bê-tông lên theo như dự tính trước đó.
Đến tối 4-1, ông Đoàn Tấn Bửu xác nhận bé Hạo Nam đã tử vong. "Việc xác định bé tử vong là do các bằng cớ, các hội ý của các đơn vị pháp y đến hiện trường quan sát, đánh giá tiên lượng, dựa vào các tính chất liên quan đến chấn thương, thông khí, các điều kiện bảo tồn sự sống nên đã có biên bản pháp y thông báo cho gia đình tiên lượng xấu, sau đó tử vong" – ông Bửu nói.
Từ khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các ngành chức năng nhiều lần đến gia đình bé Hạo Nam để động viên chia sẻ. Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cũng cho biết sẽ hỗ trợ căn nhà mới cho cha mẹ Hạo Nam.
Bởi lẽ, gia đình ông Thái Văn Tấn Tài (cha của Hạo Nam) thuộc diện khó khăn, vợ ông chỉ ở nhà trông con nhỏ mới 21 tháng tuổi; còn ông đi làm thuê nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Hạo Nam là con trai lớn vợ chồng ông Tài.
Nam thích học võ nhưng không dám xin tiền cha mẹ vì sợ cha mẹ lo thêm. Gần đây, sau giờ học, Nam đi nhặt sắt vụn bán để kiếm tiền đóng học phí học võ. Theo lời kể của gia đình, trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, Nam cho cha mẹ biết đã kiếm được 21.000 đồng nên tiếp tục đi nhặt sắt để bán, mong kiếm đủ số tiền hơn 60.000 đồng để đóng học phí học võ.