1. The Exorcist (1973)
Người hâm mộ dòng phim kinh dị không thể không biết tới The Exorcist, một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Phim kể về một cô bé bị quỷ ám và phải nhờ tới sự giúp đỡ của hai thầy trừ tà.
Thành công vang dội của bộ phim không chỉ đến từ những thước phim đáng sợ mà còn là những câu chuyện không thể lý giải diễn ra đằng sau máy quay.
Đầu tiên, phim trường của bộ phim bỗng dưng bốc cháy, khiến cho quá trình quay phim phải hoãn lại trong sáu tuần. Khi chuyển đến địa điểm quay ở Iraq thì phân nửa đoàn quay phim bị say nắng hoặc nhiễm bệnh lỵ.
Sự việc bắt đầu nghiêm trọng hơn khi nam diễn viên Jack McGowran, người thủ vai nhân vật Denning Burke, mất một cách đột ngột chỉ sau một tuần ông hoàn thành vai diễn. Hai người gác đêm và một chuyên gia hình ảnh cũng qua đời trong quá trình quay phim.
Nam diễn viên Jack McGowran.
Quá nhiều vận xui và tai ương xảy đến khiến đạo diễn phim phải mời một mục sư đến trừ tà, tuy nhiên người đó quyết định ban phước lành cho đoàn làm phim. Từ đó việc sản xuất phim lại diễn ra một cách êm đẹp.
Tưởng chừng như những câu chuyện đáng sợ đã kết thúc thì đến khi bộ phim được công chiếu, hàng loạt các trường hợp mất điện và khán giả nôn mửa khi phim chiếu đã diễn ra. Thậm chí người ta ước tính trung bình mỗi phòng chiếu có 4 lần mất điện và 6 trường hợp nôn mửa.
Cảnh trừ tà trong phim.
Tại New York, nhiều người đã lên cơn đau tim khi đến xem phim, một người phụ nữ đã không may xảy thai.
Mặc dù The Exorcist là một bộ phim xuất sắc và đạt được thành công vang dội nhưng có lẽ cái giá phải trả lại quá đắt.
2. The Omen (1976)
The Omen cũng được xem như một tượng đài của dòng phim kinh dị, bộ phim kể về gia đình ngài đại sứ vô tình nhận nuôi một đứa trẻ có vẻ như là hiện thân của quỷ.
Xung quanh The Omen đã xuất hiện nhiều tin đồn rằng bộ phim đã bị nguyền rủa bởi hàng loạt sự kiện không may đã diễn ra với những người trong đoàn làm phim.
Một cảnh trong phim The Omen.
Biên kịch David Seltzer và diễn viên Gregory Peck đi trên hai chuyến bay khác nhau tới Anh và điều kì lạ là cả hai chiếc máy bay đều gặp phải sự cố bị sét đánh.
Đạo diễn của The Omen, Richard Donner còn không may hơn nữa khi khách sạn mà ông đang ở bị đánh bom bởi lực lượng IRA. Chưa hết, ông còn bị một xe hơi đâm trúng.
Tuy nhiên Peck mới là người phải đối mặt với nhiều sự kì lạ, không thể lý giải nhất trong đoàn làm phim. Chuyến bay tới Isarel mà ông vừa hủy bỏ đã gặp tai nạn khiến tất cả hành khách cùng phi hành đoàn tử vong.
Trong phim, nhân vật của Peck cuối cùng phải giết chính con trai của mình. Ở ngoài đời, con trai của nam diễn viên cũng đã tự tử, chỉ vài tháng trước khi khởi quay. Đây quả là sự trùng hợp đáng sợ.
Nam diễn viên Gregory Peck trong phim.
Rất nhiều người trong đoàn làm phim gặp phải tai nạn xe hơi và đặc biệt là trường hợp của chuyên gia hiệu ứng đặc biệt John Richardson vẫn khiến người ta phải bàn tán tới tận ngày nay.
John cùng người bạn gái của mình đã gặp phải một tai nạn thảm khốc. Ông đã sống sót nhưng người bạn gái của ông thì không. Điều khiến người ta rùng mình là bạn gái ông đã bị mất đầu giống như chi tiết trong phim và một tấm biển đề Ommen 66.6km (666 là con số của quỷ) tại hiện trường.
Chuyên gia hình ảnh của bộ phim, ông John Richardson.
Còn một chi tiết nữa khiến người ta nhắc tới sự kiện này nhiều hơn bao giờ hết đó là vụ tại nạn xảy ra vào thứ 6, ngày 13 tháng 8 năm 1976.
3. Tuyển tập ba phần của bộ phim Poltergeist (1982, 1986, 1988)
Là một bộ phim về đề tài ma quỷ, Poltergeist có nội dung khá đơn giản. Phim nói về một gia đình bị những hồn ma quấy nhiễu và khủng bố.
Nhắc đến Poltergeist, cái người ta nhớ đến không phải là bộ phim này đáng sợ như thế nào mà là cách những diễn viên đóng phim đã lần lượt ra đi mới thực sự ghê rợn.
Một cảnh trong bộ phim Poltergeist.
Nữ diễn viên nhí Heather O' Rourke chính là diễn viên chính của cả ba phần đã qua đời ở tuổi 12 do mắc phải những triệu chứng giống như cảm cúm mà không thể chữa trị được.
Nữ diễn viên nhí Heather O' Rourke.
Khi phần hai của bộ phim bắt đầu bước vào quá trình sản xuất, nữ diễn viên Dominique Dunne đóng vai người chị gái đã bị bạn trai bóp cổ đến chết ở tuổi 22.
Nữ diễn viên Dominique Dunne.
Sau quá nhiều những biến cố xui xẻo, nam diễn viên Will Sampson tham gia trong phần phim thứ hai đã thực hiện lễ trừ tà ngay tại phim trường. Tưởng như mọi chuyện sẽ qua thì chỉ một năm sau, nam diễn viên này đã qua đời.
Câu chuyện về bộ phim ma quái lại được đem ra bàn tán khi bốn năm về trước, diễn viên Lou Perryman đóng vai Pugsley trong phần một bị giết ngay tại nhà.
Lý do dẫn đến sự việc này cũng rất khó hiểu, kẻ thủ ác trong tình trạng say rượu đi lang thang tới nhà Perry và giết chủ nhà với một cái rìu.
4. Rosemary's Baby (1968)
Bộ phim xoay quanh Rosemary Woodhouse, một người phụ nữ trẻ đang mang thai. Cô bắt đầu nghi ngờ hàng xóm có gì đó mờ ám và sau đó phát hiện ra họ là những người đứng đầu hội phụ thủy.
Chồng của Rosemary đã kí một hiệp ước với giáo phái tôn sùng Satan, cho phép quỷ dữ thụ thai vợ của mình để đổi lấy thành công trong sự nghiệp. Rosemary đã cố thuyết phục mọi người mà không ai tin cô.
Một cảnh trong phim Rosemary's Baby.
Rosemary's Baby nhanh chóng trở thành hiện tượng của dòng phim kinh dị và bộ phim này cũng không tránh khỏi những tin đồn về sự nguyền rủa.
Sự kiện kì lạ đầu tiên bắt đầu vào tháng 3 năm 1969, nhà sản xuất phim William Castle trải qua chứng suy thận. Ông đã thề rằng bộ phim này bị nguyền rủa và không ngừng kêu lên "Rosemary, vì Chúa hãy bỏ con dao xuống" trong suốt quá trình trị bệnh.
Nhà sản xuất phim William Castle.
Cũng trong bệnh viện đó, một nhà soạn nhạc người Ba Lan cho bộ phim đã chết vì một bệnh về não, đáng sợ là cái chết của người này rất giống với nhân vật Hutch trong phim.
Câu chuyện đi đến đỉnh điểm khi một năm sau, vợ của đạo diễn Roman Polanski, nữ diễn viên Sharon Tate cùng với bốn người nữa bị băng nhóm gia đình nhà Manson giết chết tại tư gia. Vụ án đã gây chấn động Hollywood một thời gian dài
Vợ chồng đạo diễn Roman Polanski.
Khi đó, Sharon Tate đang mang bầu sắp sinh, cô cầu xin những kẻ thủ ác tha mạng cho con cô nhưng chúng không chấp nhận. Gia đình nhà Manson được biết đến là những kẻ tôn thờ quỷ dữ.
5. The Passion of the Christ (2004)
The Passion of the Christ được đạo diễn bởi Mel Gibson nói về mười hai giờ cuối cùng của cuộc đời Chúa Jesus cho tới khi Chúa được phục sinh. Bộ phim sử dụng hoàn toàn tiếng Latin và Aramaic.
Đây là một bộ phim hoàn toàn về đề tài tôn giáo, có chứa nhiều cảnh bạo lực và các hoạt động nguy hiểm. Chính vì vậy mà người ta không hiểu do trùng hợp đơn thuần hay lý do nào khác mà có quá nhiều hiện tượng không thể lý giải đã diễn ra trên phim trường.
Jim Caviezel trong vai Chúa Jesus.
Nam diễn viên chính thủ vai Chúa Jesus, Jim Caviezel có lẽ là người chịu nhiều thương tổn nhất trong đoàn làm phim. Những tai nạn trước máy quay khiến anh phải chống chọi với sự xuống cấp về sức khỏe như suy nhiệt, viêm phổi, trật khớp vai,...
Một sự kì lạ đã diễn ra mà người ta cho rằng đây là dấu hiệu của Chúa đó là khi cả Caviezel và trợ lý đạo diễn Michelini bị sét đánh cùng một lúc mà không bị trầy xước chút nào. Thậm chí đó còn là lần thứ hai Michelini bị sét đánh trong quá trình làm phim.
Một cảnh trong phim The Passion of the Christ.
Mặc dù là bộ phim gây ra nhiều sự tranh cãi giữa các tôn giáo nhưng The Passion of the Christ vẫn được đánh giá khá cao bởi công chúng.