Giành chiến thắng cuộc thi năm nay là hai nhà nghiên cứu về di truyền học và vật lý học của quá trình phát triển phôi thai Grigorii Timin và Michel Milinkovitch của Đại học Geneva (Thụy Sĩ).
Bức ảnh chiến thắng cuộc thi Thế giới siêu nhỏ năm nay đã thể hiện vẻ đẹp đầy mê hoặc dưới lớp vảy đang phát triển trên chi trước của một phôi thai tắc kè Madagascar. Điều thú vị là bức ảnh này được ghép lại với nhau từ hàng trăm hình ảnh khác chụp trong hai ngày bằng kính hiển vi đồng tiêu.
Hai nhà nghiên cứu Grigorii Timin và Michel Milinkovitch của Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã phủ màu nhân tạo để thể hiện các dây thần kinh đang hình thành có màu lục lam và các cấu trúc chứa collagen có màu cam, vàng. Collagen là một thành phần cấu tạo nên sự sống. Biết collagen ở đâu có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách cơ thể và các mô phát triển.
Cuộc thi Nikon Small World bắt đầu lần đầu tiên vào năm 1975 như một phương thức ghi nhận và tán dương nỗ lực của những chuyên gia nghiên cứu y sinh và những nghệ sĩ chụp ảnh qua kính hiển vi quang học. Kể từ đó đến nay, Nikon Small World đã trở thành sân chơi lớn cho các nhà vi sinh vật học từ nhiều lĩnh vực khoa học tham gia.
Nhìn từ xa, bức ảnh này trông giống như một chùm nho, nhưng mỗi “trái” chính là một đám tế bào nằm bên trong mô vú của người phụ nữ. Bức ảnh đoạt giải nhì, được nhà miễn dịch học Caleb Dawson thuộc Viện Nghiên cứu y khoa Walter và Eliza Hall (Parkville, Úc) ghép lại từ hàng nghìn hình ảnh bằng kính hiển vi đồng tiêu để xem các tế bào nhỏ, giống như cơ bắp bọc xung quanh các tuyến sản xuất sữa.
Dawson nói rằng các tế bào phản ứng với hormone oxytocin. Oxytocin được giải phóng trong quá trình cho con bú và giúp đẩy sữa ra khỏi các phế nang. Những hình ảnh như vậy về mô vú đang cho con bú có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ra cách các tế bào miễn dịch giữ cho mô vú và những em bé khỏe mạnh.
Đây là hình ảnh cận cảnh chi tiết đến kinh ngạc về một bấc nến vừa được thổi tắt của nhiếp ảnh gia người Đức Ole Bielfeldt. Bấc nến được cấu tạo từ các nguyên tử hydro và carbon, phần lớn biến thành carbon dioxide khi đốt lên lửa. Nhưng không phải tất cả các hydrocarbon đó đều cháy, một số sẽ tích tụ dưới dạng muội than trên bề mặt gần với ngọn nến.
Khi ngọn lửa vừa phụt tắt, bấc còn lại đủ nhiệt để phá vỡ các phân tử, nhưng không đủ để đốt cháy carbon. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy được một vệt khói cho đến khi nó nguội đi.
Nhiếp ảnh gia Alison Pollack (San Anselmo, California, Mỹ) vô tình nhìn thấy một chiếc lá lấp lánh khi cô đang tác nghiệp. Sau khi mang chiếc lá về nhà và nhìn qua kính hiển vi, cô phát hiện màu sắc lấp lánh ấy được tạo nên từ nấm mốc.
Mất khoảng 40 giờ làm việc và 147 hình ảnh được ghép lại, Pollack đã có một bức ảnh chụp nấm tuyệt đẹp. Hầu hết các loại nấm mốc đều có đầu nhẵn, chúng sẽ phóng thích bào tử vào môi trường để sinh sản. Hai cây nấm này có thể đã khô quá nhanh và khiến đầu chúng nhăn nheo.
Để có được bức ảnh các tế bào của polyp san hô này, nhà đại dương học Brett Lewis thuộc Đại học Công nghệ Queensland (Brisbane, Úc) đã ghép hơn 60 hình ảnh chụp trong 36 giờ. San hô phát huỳnh quang một cách tự nhiên với dải màu xanh lam, tím và hồng khi tiếp xúc với các sóng ánh sáng khác nhau. Tảo sống bên trong polyp có màu cam hoặc hồng, trong khi các mô của san hô có màu xanh lam.
Những hình ảnh bên trong của san hô có thể giúp các nhà khoa học hiểu được đặc tính sinh học của nó. Ví dụ tìm ra cách các khối polyp xây dựng nền móng vững chắc khi chúng bám vào bề mặt. Đây là một bước quan trọng trong việc xây dựng hoặc phục hồi các rạn san hô.
Nhiếp ảnh gia Murat Öztürk ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) chụp một con bọ cánh cứng hổ (Cicindelinae) đang sử dụng hàm để kẹp chặt một con ruồi. Bọ cánh cứng hổ phóng nhanh theo con mồi đến nỗi loài côn trùng này gần như sẽ bị mù tạm thời. Nó sẽ dừng lại nhiều lần để tự định hướng tìm xem con ruồi đang ở đâu, cuối cùng sẽ lao cực nhanh đến và chộp lấy bữa ăn của nó.
Với tốc độ bay nhanh và bộ hàm khỏe của bọ cánh cứng hổ, cơ hội sống sót của những sinh vật bị loài côn trùng này bắt là gần như bằng 0.